Năm 2019, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước tiếp tục nở rộ và lan rộng. Tại Đồng Nai, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khởi động sôi nổi với nhiều hoạt động từ hoạt động tổ chức ngày hội khởi nghiệp đến hội nghị, hội thảo, tọa đàm khởi nghiệp, các chương trình tập huấn, đào tạo khởi nghiệp và cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được tổ chức với sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các cá nhân, đơn vị. Dự án “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ blockchain” do nhóm sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng thực hiện đã xuất sứ giành giải Nhất tại cuộc thi này. Với tính mới, sáng tạo, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, dự án “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ blockchain” được hội đồng giám khảo đánh giá cao, khuyến khích đầu tư mở rộng thị trường.
Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào để thay đổi được nó.
Hiện nay, công nghệ blockchain được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Trong đó, công nghệ được ứng dụng hiệu quả trong việc kiểm định chất lượng, quy trình sản xuất hàng hóa, góp phần đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ nguồn gốc. Chỉ cần sử dụng ứng dụng quét mã QR trên bao bì sản phẩm, dữ liệu về nguồn gốc thông tin của sản phẩm sẽ xuất hiện ngay trên màn hình smart phone của người dùng. Đặc biệt, ngay khi mã QR được truy xuất cho một sản phẩm bất kỳ thì trong từ 5 đến 7 ngày mã sẽ tự động được hủy, ngoài ra, tem và mã QR có thiết kế đặc biệt để tránh bị tái sử dụng, đảm bảo nguồn gốc của sản phẩm được bảo mật.
Anh Lê Vinh Quang Thương, kỹ thuật viên, Công ty TNHH giải pháp công nghệ ThoMi, thành viên nhóm thực hiện dự án khẳng định, tính bất biến trong công nghệ blockchain đảm bảo cho nguồn dữ liệu giao dịch không thể bị thay đổi kể cả trước và sau khi thực hiện giao dịch. Cũng là một trong những thành viên đồng sáng lập dự án, anh Phan Thiện Phước, Phó giám đốc Công ty TNHH giải pháp công nghệ ThoMi cho biết thêm, công nghệ chúng tôi đưa ra tương tự như một hợp đồng thông minh được chứng thực bởi những phòng công chứng ảo để tạo ra độ tin cậy cho người dùng. Khi sử dụng công nghệ blockchain, giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên một chút, đổi lại chất lượng sản phẩm khiến người dùng có thể hoàn toàn yên tâm.
Theo thiết kế của ứng dụng trên nền tảng công nghệ blockchain, hệ thống lõi của ứng dụng sẽ được phân quyền theo từng vai trò nhất định điển hình như: quản lý, kiểm soát chất lượng, đánh giá sản phẩm, tiêu chuẩn… theo các tiêu chuẩn hiện hành của luật định. Việc hợp tác trong truy xuất nguồn gốc góp phần nâng cao giá trị cho nông sản giúp mặt hàng ổn định hơn về mặt giá cả, loại bỏ được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng với nguồn gốc xuất xứ không minh bạch, rõ ràng. Hiện công nghệ đang được ứng dụng cho việc truy xuất nguồn gốc tại hiệp hội cá tầm Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Bước đầu, công nghệ nhận được phản hồi tích cực từ phía đơn vị sử dụng, qua đó bảo mật được hoàn toàn thông tin sản phẩm, mã hóa dữ liệu và tương tác với đối tác của hiệp hội trên cơ sở nguồn dữ liệu được ứng dụng.
Nói thêm về cơ duyên để nhóm nghiên cứu bắt tay đầu tư thực hiện dự án án “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ blockchain”, anh Phan Kiên Cường, Giám đốc Công ty TNHH giải pháp công nghệ ThoMi cho biết, “Chúng tôi nghĩ, truy xuất nguồn gốc là điều cần thiết cho một sản phẩm nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng khi xuất khẩu. Chúng tôi tự tin với công nghệ của mình đưa ra so với sản phẩm cùng dòng khi chúng tôi luôn đồng hành cùng công ty, đơn vị, hợp tác xã. Bên cạnh việc cung cấp công nghệ truy xuất nguồn gốc, chúng tôi cũng cung cấp cho họ phần mềm quản lý đơn vị, quản lý nông trại, các phần mềm hỗ trợ marketing bán hàng, cung cấp luôn cả phần mềm nhập dữ liệu vào một hệ thống của đơn vị, do vậy hoàn toàn có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ những khâu đầu tiên như: đơn vị lấy nguồn phân bón từ đâu, chăm sóc sản phẩm như thế nào, thu hoạch thời gian nào và thời gian và quá trình tung sản phẩm ra thị trường như thế nào?…Tất cả đều được tích hợp trên cùng một hệ thống tạo thành nguồn dữ liệu đưa đến tay người tiêu dùng”.
Thảo Quế