Từ một hộ sản xuất nhỏ, quy mô gia đình, cách đây hơn 10 năm, nhờ sản xuất phát triển, các thành viên đã quyết định thành lập Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất). Đến nay, cơ sở đã không ngừng lớn mạnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên.
Theo chủ cơ sở, trước đây công việc sản xuất các sản phẩm từ mây tre lá chỉ mang quy mô gia đình nhằm tạo thêm công ăn việc làm. Tuy nhiên, với sự tin tưởng từ khách hàng, gia đình quyết định đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công để thành lập cơ sở sản xuất quy mô lớn.
Các mặt hàng của cơ sở chủ yếu là sản phẩm bàn, ghế, vật dụng trang trí nội, ngoại thất được làm từ nguyên liệu là mây, tre, lá các loại. Các sản phẩm trên phần lớn được cung cấp cho những doanh nghiệp để xuất khẩu, một số ít được tiêu thụ tại thị trường trong nước như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Dù đi vào hoạt động hơn mười năm nay, thế nhưng năm 2020 và 10 tháng đầu năm 2021 là khoảng thời gian khó khăn nhất của Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất. Cũng như đa phần các doanh nghiệp khác, Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh Covid-19.
Sau 3 tháng tạm ngưng để phục vụ công tác phòng chống dịch, hiện cơ sở Thanh Bình đã bắt đầu hoạt động trở lại để kịp phục vụ thị trường cuối năm.
Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, Quản lý Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình, cho biết dịch bệnh đã khiến cơ sở phải tạm dừng sản xuất mấy tháng trời để phòng tránh dịch. Từ đầu tháng 10 đến nay, cơ sở đã bắt đầu sản xuất trở lại để trả những đơn hàng trước dịch và chuẩn bị hàng cho dịp cuối năm.
“Chúng tôi đang tập trung tối đa cho công đoạn sản xuất nhằm đáp ứng đúng yêu cầu hàng hóa cho đối tác. Với diễn biến dịch còn khá phức tạp, cơ sở vẫn phải vừa đảm bảo an toàn chống dịch vừa tổ chức sản xuất hiệu quả”, chị Quỳnh chia sẻ.
Hiện Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động và hàng chục lao động thời vụ với mức thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Người lao động còn được cơ sở lo ăn, ở nên họ khá yên tâm gắn bó và làm việc.
Anh Trần Quốc Kỳ, công nhân Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình cho hay, mấy năm qua, cơ sở sản xuất có việc làm thường xuyên, chủ cơ sở cũng rất quan tâm đến các chính sách đãi ngộ cho người lao động, nên rất yên tâm găn bó với cơ sở.
Để đủ nguồn nguyên liệu sản xuất thường xuyên, Cơ sở nhập nguyên liệu tại các huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán và tỉnh Lâm Đồng. Các sản phẩm của cơ sở làm ra có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nên được khách hàng đánh giá cao. Ghế mây của cơ sở được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2018.
Theo chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, Quản lý Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình, để mở rộng sản xuất, Mây tre lá Thanh Bình cũng vừa đầu tư xây dựng thêm một xưởng sản xuất mới, qua đó đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày một tốt hơn.
Rõ ràng, sau thời gian giãn cách xã hội, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Đồng Nai đã và đang bắt nhịp lại hoạt động sản xuất nhằm đáp ứng những đơn hàng và nhu cầu thị trường dịp cuối năm. Mặc dù sẽ còn những khó khăn phía trước, song các cơ sở công nghiệp nông thôn vẫn đang nỗ lực để vừa sản xuất, vừa thích ứng với công tác phòng chống dịch trong bối cảnh mới. Cơ sở có đơn hàng, người lao động có việc làm và thu nhập nên không khí sản xuất cũng khá rộn ràng.
Minh Thư