Khởi nghiệp trên quê hương

Tại quê hương Phú Lý, Vĩnh Cửu, Đồng Nai, nhiều người dân chọn nghề nuôi cá sấu là kế mưu sinh. Thế nhưng, nền kinh tế có nhiều biến động nên nghề này cũng trồi sụt theo thời gian. Năm 2018 do tình hình dịch bệnh phức tạp nên thương lái Trung Quốc dừng thu mua cá sấu khiến nhiều bà tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu con rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Trước tình hình đó nhận thấy giá trị sản phẩm từ da cá sấu cần được khai thác tối đa, cơ sở Hạ Vy (ấp Bình Chánh, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) tìm cách thuộc da, làm ra nhiều loại sản phẩm giá trị cung cấp cho thị trường. Đến nay, sau 6 năm khởi nghiệp, ngoài việc mở rộng cơ sở sản xuất, mở rộng thị trường sản phẩm, gia tăng giá trị sản xuất nghề nuôi cá sấu, cơ sở Hạ Vy còn mở rộng khai thác du lịch để du khách thập phương có thể trải nghiệm thêm về nghề này.

 Cơ sở Hạ Vy đa dạng hóa các mặt hàng từ da cá sấu phù hợp với thị hiếu khách hàng 

Năm 2019, cơ sở chế biến da cá sấu Hạ Vy được thành lập, đây là cơ sở chế tác các sản phẩm từ da cá sấu, nhận thu mua cá sấu thịt cho người dân và cung cấp nhanh nhất, rẻ nhất các sản phẩm từ da cá sấu thật cho thị trường Việt Nam. Đến năm 2023, Hạ Vy mở rộng kết hợp cho tham quan trang trại miễn phí và đẩy mạnh du lịch trải nghiệm, khách tham quan được tự mình trải nghiệm làm các sản phẩm đơn giản như móc khóa chân cá sấu, dây đồng hồ,…từ đó tin yêu sản phẩm da cá sấu thật và ủng hộ các sản phẩm có giá trị khác.

Nhiều người dân nuôi cá sấu tại Vĩnh Cửu cho biết, trước đây việc xuất bán cá sấu của người dân chủ yếu là xuất thô, nguyên con cho thương lái Trung Quốc nên thường xuyên bị ép giá, thu mua chia nhiều kích cỡ và thường phải qua nhiều cò lái. Từ khi có cơ sở chế tác các sản phẩm từ da cá sấu Hạ Vy người dân yên tâm hơn trong quá trình chăn nuôi. Việc chế tác cũng đã làm tăng giá trị của mặt hàng cao cấp này đồng thời hạ giá thành sản xuất xuống nhiều lần giúp tiếp cận được với thị trường trong nước.

Theo bà Hoàng Thị My Nhung, Chủ dự án “Chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ da cá sấu” cho hay, hiện nay, trên thị trường có những cơ sở sản phẩm da cá sấu lớn, có thương hiệu lâu năm, nổi tiếng như Cá sấu Hoa Cà, Thành Vinh,… Tuy nhiên, giá cả khó tiếp cận với thu nhập của nhiều người Việt Nam, có xưởng sản xuất nhưng không tự chủ nguyên liệu nên chuỗi sản xuất dễ đứt gãy. Còn Sản phẩm cá sấu của cơ sở Hạ Vy do tận dụng nhân công nhàn rỗi tại địa phương, thức ăn là nguồn cá dồi dào của hồ Trị An nên chi phí thấp, giá thành cũng rẻ hơn. Bà Nhung lưu ý thêm một con cá sấu sử dụng da được phải nuôi từ 2 năm trở lên và cơ sở Hạ Vy luôn chủ động được nguồn nguyên liệu này. Hiện cơ sở sản xuất các mặt hàng chính được làm từ da cá sấu như: Ví nam, dây nịt nam, nữ, ví nữ 2 dây kéo, 1 dây kéo; giày dép nam nữ; túi xách nam nữ, túi du lịch, vali.

Khách hàng tham quan trải nghiệm sản phẩm 

Để có được một sản từ da cá sấu phải trải qua khá nhiều giai đoạn, trong đó, đầu tiên là đào tạo thợ mổ cá sấu tại địa phương, đó là người lao động tự do, ai cũng có thể làm vì lớp da cá sấu dễ bóc tách. Sau đó, tiến hành xử lí da bằng hóa chất và nhuộm màu theo nhu cầu cần may sản phẩm (chọn hóa chất tốt, màu nhuộm chất lượng để tăng tính thẩm mĩ và độ bền). Tiếp theo sẽ tiến hành cắt phôi da, ra khuông sản phẩm, mua phụ kiện, ráp sản phẩm. Bước tiếp theo là xử lí lỗi, do cá sấu cắn nhau có thể có vài vết nhỏ trên sản phẩm và làm bóng sản phẩm. Bước cuối cùng là tiếp cận khác hàng, tìm khách hàng tiềm năng và thực hiện chế độ bảo dưỡng, bảo hành uy tín sản phẩm. Ở hầu hết các công đoạn, cơ sở đều tận dụng được nguồn lao động dồi dào tại địa phương.

Nguồn thu chính của dự án hiện nay không chỉ từ việc bán hàng trực tiếp qua các kênh mà kể từ năm 2023, cơ sở Hạ Vy đã mở rộng thêm hình thức du lịch, tham quan, trải nghiệm cho khách hàng. Do vậy, Hạ Vy có thêm nguồn thu từ cho khách tham quan trang trại, trải nghiệm làm sản phẩm từ da cá sấu, bán hàng trực tiếp cho du khách, phân phối sản phẩm qua các kênh mạng, qua đại lý bán hàng, qua các hội chợ thương mại.  bà Mỹ Nhung nói thêm “ chúng tôi cho khách hàng tham quan trang trạng nuôi cá sấu miễn phí, trải nghiệm du lịch địa phương và chỉ thu phí khi khách hàng muốn tham gia trải nghiệm làm các sản phẩm đơn giản như móc khóa, dây đồng hồ (30.000/ khách), sau khi thực hiện khách hàng được mang sản phẩm về làm quà lưu niệm”. Theo tính toán, trong năm 2022, tổng doanh thu của cơ sở khoảng trên 4 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế hơn 1,4 tỷ đồng. So với thời điểm năm 2022, đến nay, cơ sở Hạ Vy đã gia tăng được doanh thu và lợi nhuận lên gấp 3 lần.

Điều mà chúng tôi mong muốn nhất hiện đang được thực hiện tốt đó là: Dự án đã góp phần giúp người chăn nuôi cá sấu giải quyết đầu ra được ổn định định hơn, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn khi tham gia vào quá trình chăn nuôi, chế tác sản phẩm, bán hàng, tổ chức tham quan trải nghiệm. Hiện Dự án dang hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Đồng Nai năm 2024. Tuy vậy, con đường khởi nghiệp phía trước của cơ sở Hạ Vy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong khi xã Phú lý là xã vùng sâu, vùng xa, đường xá giao thông chưa thuận lợi, không mang tính kết nối vùng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh,  thương lái Trung Quốc không thu mua cá sấu thịt nên nhiều hộ nghỉ nuôi để chuồng trại trống, nguồn nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc vào nguồn da của chính trang trại. Cơ sở vẫn rất cần nguồn đầu tư để mở rộng sản xuất, máy móc công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân công chất lượng để có thêm những hình sáng tạo trong khu trưng bày, khu trải nghiệm cho du khách.

Hạ Vy thực hiện các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ kết nối 

Dự án “Chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ da cá sấu” của tác giả Hoàng Thị Mỹ Nhung – Cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm cá sấu Hạ Vy là một trong 8 dự án xuất sắc của Vòng thi Chung kết Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2024.

T.Quế