Tham quan một mô hình trồng xen cacao
Từ chính nghề nông vốn có xuất phát từ bao đời, nhiều nông dân tại huyện Trảng Bom đã có hướng chuyển đổi để tăng năng suất cho cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị bền vững, tạo nền tảng phát triển bền vững.
Trên cơ sở vườn điều sẵn có, nhiều hộ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã thành công với mô hình trồng xen canh cây cacao giữa vườn điều, cho thu nhập tăng gấp 2-3 lần so với mô hình trồng đơn cây điều. Từ nhiều năm nay, cây điều là sự lựa chọn của nhiều hộ dân tại huyện Trảng Bom. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm làm nông nghiệp và thông qua tìm hiểu về những mô hình kỹ thuật nông nghiệp mới, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn trồng xen cây caocao trong vườn điều. Việc trồng xen này không chỉ tận dụng được diện tích, không gian của đất đai mà còn từng bước tăng năng suất, nâng cao nguồn thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Nhiều hộ dân tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom sau khi thực hiện mô hình trồng xen cacao giữa vườn điều đều cho biết, sự xen canh này nâng cao năng suất cây trồng đồng thời cho thấy cây trồng vẫn thích nghi và phát triển tốt mặc dù thời tiết có lúc không thuận lợi, do đặc tính của cây cacao là có thể phát triển tốt trong điều kiện có bóng che. Theo đánh giá cây ca cao khá phù hợp với địa bàn Trảng Bom và các vùng lân cận, việc đưa cây ca cao vào trồng trồng xen trên diện tích cây điều, cây công nghiệp và một số cây ăn quả vừa giúp người nông dân giảm được chi phí chăm sóc vườn cây đã có, vừa cho thu nhập kép mà không cần có thêm diện tích đất canh tác, qua đó tăng nguồn thu nhập trên một đơn vị diện tích, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Tại huyện Trảng Bom, theo thống kê cho thấy, hiện có 17 câu lạc bộ, tổ hợp tác trồng cacao với trên 400 hội viên tham gia, Qua đánh giá sơ bộ ban đầu, mô hình trồng xen cacao và điều là một mô hình kinh tế bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.
Bước đầu, khi bắt đầu phát triển mô hình này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai cũng như Trạm Khuyến nông huyện Trảng Bom đã hỗ trợ giống, vật tư và kỹ thuật để các nông hộ canh tác, đặc biệt là chương trình hỗ trợ vay vốn 25 triệu đồng/hộ, cùng với sự phát triển và hiệu quả mà mô hình mang lại, những hộ dân thực hiện mô hình đã yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích. Đến nay, diện tích cacao trên địa bàn huyện Trảng Bom đến nay xấp xỉ 80 ha.
Theo ông Nguyễn Văn Thu (xã An Viễn, Trảng Bom) cho biết, qua thực hiện mô hình trồng xen điều và cacao mấy năm nay tôi cũng rút ra thêm cho mình một số kinh nghiệm làm nông nghiệp, trước hết việc trồng xen hợp lý sẽ cho năng suất tăng gấp đôi, gấp 3. Hơn nữa, caccao là một loại cây mà càng trưởng thành lại cho năng suất, chất lượng cao hơn. Trên 10hecta đất nông nghiệp của gia đình bước đầu tôi trồng thử nghiệm 1 hécta, sau đó tăng lên 4 hécta, và dự kiến tôi sẽ mở rộng cho đến khi hết các diện tích còn lại. Mỗi hécta tương đương khoảng 500-600 gốc caccao được trồng xen kẽ, thu hoạch cả năm khoảng chừng 10 tấn mỗi héc ta và năng suất sản lượng tăng đều từng năm. Theo tính toán của ông Thu, việc trồng xen hiệu quả cây cacao giữa vườn điều cho thu nhập mỗi héc ta mỗi năm trên dưới 200 triệu đồng, tăng gấp 2-3 lần so với trước đây khi chưa áp dụng mô hình xen canh.
Để nhân rộng mô hình làm kinh tế nông nghiệp cho hiệu quả này, trong 3 năm trở lại đây, Trung tâm tỉnh Khuyến nông Đồng Nai thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, phòng trị bệnh trên cây cacao cho hàng ngàn lượt nông dân ở khắp các địa bàn. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho những hộ nông dân mới bắt tay vào trồng cacao, tại các huyện cũng có các chương trình hội thảo về trồng và chăm sóc, thu hoạch cacao đồng thời tổ chức tham quan các các điển hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh giúp bà con nông dân có cơ hội được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình canh tác cacao.
Diệu Linh