Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhiều dự án khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao bước đầu thành công, trong đó có nhiều dự án chăm sóc sức khỏe đã có sản phẩm bán ra thị trường với tín hiệu khả quan.
Có mặt trên thị trường gần 2 năm nay cũng như trong các hội nghị, hội thảo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sản phẩm tinh dầu nghệ chiết xuất từ phụ phẩm của quá trình sản xuất tinh bột nghệ của nhóm sinh viên đến từ Đại học Công nghệ Đồng Nai nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng cũng như giới chuyên gia. Theo sinh viên Nguyễn Hồng Ánh Linh- thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh dòng sản phẩm tinh bột nghệ nở rộ trên thị trường, đây là sản phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình sản xuất hàng loạt tinh bột nghệ cũng gây lãng phí một khối lượng lớn phụ phẩm từ nghệ còn nhiều giá trị về mặt dinh dưỡng và dược liệu. Trong quá trình tham quan thực tế tại một số xưởng sản xuất tinh bột nghệ tại huyện Thống Nhất và huyện Tân Phú, chúng em chứng kiến hàng tấn phụ phẩm từ nghệ sau sản xuất tinh bột phải đổ bỏ lãng phí nên cả nhóm đã suy nghĩ và hình thành ý tưởng sáng tạo chiết xuất tinh dầu nghệ từ phế phẩm này. Sau nhiều lần thay đổi hình thức chiết xuất, cả nhóm đã hoàn thiện ý tưởng và bước đầu cho ra những sản phẩm đầu tiên, đảm bảo hàm lượng Curcumin có tác dụng rất lớn trong chăm sóc da và làm đẹp và tung sản phẩm ra thị trường với giá rất cạnh tranh, khoảng từ 170 ngàn đồng/10ml tinh dầu nghệ. Cũng theo Ánh Linh, khó khăn của nhóm là chưa có nhiều kinh phí để có thể sản xuất hàng loạt bằng quy trình công nghệ hiện đại, khép kín, ngoài ra nghệ cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác được thu hoạch theo mùa, quá trình sản xuất tinh bột nghệ cũng vậy, do đó, để có thể bảo quản chế phẩm từ quá trình sản xuất tinh bột nghệ để chiết xuất tinh dầu quanh năm chưa thể thực hiện được.
Tại Hội thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai, dự án khởi nghiệp chiết xuất tinh dầu nghệ của nhóm được đánh giá cao, có khả năng ứng dụng thực tiễn, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nhờ tận dụng được phụ phẩm trong quá trình sản xuất tinh bột nghệ, ngoài ra dòng sản phẩm này cũng phù hợp với thị hiệu của người dân khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp đang ngày được quan tâm.
Còn nhóm tác giả Vũ Thị Thảo Nguyên và Đinh Quang tuyến đến từ Đại học Lâm nghiệp mạnh dạn tung ra thị trường dòng sản phẩm “Nấm sấy khô Thảo Nguyên”. Theo sinh viên Vũ Thị Thảo Nguyên, nét độc đáo trong sản phẩm nấm sấy khô của chúng tôi là ứng dụng năng lượng mặt trời để làm khô nấm, tăng thời hạn sử dụng sản phẩm mà không gây độc hại cho sức khỏe người dùng. Nấm được sây không chỉ dòng nấm khô quen thuộc như nấm mèo, nấm linh chi mà còn là nấm bào ngư xám và trằn – các dòng nấm thường được sản xuất và bán tươi ra thị trường. Với dự án “Nấm sấy khô Thảo Nguyên”, chúng tôi mong muốn người dân trồng nấm hoàn toàn có thể gia tăng mùa vụ, diện tích sản xuất, sản lượng và bán quanh năm mà không lo hàng tồn. Theo Thảo Nguyên, bước đầu, dự án đang dừng lại ở quy mô gia đình, sau khi tìm hiểu và mở rộng được thị trường, chúng tôi sẽ liên kết để mở rộng dự án ở quy mô lớn hơn.
Không chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất gia đình, phòng thí nghiệm, nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Hồ Thị Hải Ngân, Nguyễn Thị Thúy Hồng, Võ Văn Duy và Lý Lê Tường Vy mang tham vọng khở nghiệp với dự án “Kola zone dự án chuỗi các sản phẩm từ cây rau má”. Với dự án này, nhóm tác giả mong muốn một phần các hộ dân đang làm nông nghiệp có thể nâng cao thu nhập bằng việc chuyển đổi một số cây trồng nông nghiệp sang trồng rau má, và nhóm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây rau má sẽ được phổ biến rộng rãi hơn trên thị trường. Tại Hội thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2019, nhóm tác giả đã giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu từ dự án này như Gel rửa tay khô rau má, Gel rau má trị mụn và thâm…
Khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp đang nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ và cộng đồng xã hội. Một điểm chung của các dự án này là mong muốn tung ra thị trường những sản phẩm thực sự tốt cho sức khỏe người tiêu dùng với giá cạnh tranh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung, bên cạnh đó, để phù hợp với thời đại công nghệ số, các dự án cũng đưa vào ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, theo như bà Nguyễn Thị Cúc Hồng, giảng viên Khoa Tài chính – Kế toán, Trường Đại học Hutech, chuyên gia cố vấn Quỹ đầu tư khởi nghiệp SVF, thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai 2019, những dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp của các bạn trẻ Đồng Nai có tỉnh khả thi, có thể mở rộng thực hiện, tuy nhiên cần có sự đầu tư tìm hiểu kỹ về thị trường, tăng cường sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại trong quá trình sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất đồng thời đưa sản phẩm ra thị trường với giá cạnh tranh để dự án thu được hiệu quả và phát triển bền vững.
Diệu Linh