Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp kéo dài đã tác động đến nhiều mặt kinh tế, xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ. Nhiều ngành nghề sản xuất với quy mô nhỏ rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, dẫn đến tình trạng giảm nhân công, sản xuất cầm chừng. Trong bối cảnh đó, với sự hỗ trợ từ nhà nước, nhiều cơ sở đã nỗ lực không ngừng để vực dậy sản xuất.
Một số cơ sở nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ khác hoặc giảm giá thành sản phẩm để duy trì việc làm cho người lao động. Tuy có nhiều khó khăn trong đợt dịch Covid nhưng các cơ sở trên địa bàn huyện vẫn nỗ lực duy trì sản xuất tạo việc làm cho người lao động trong tình hình mới, đến nay huyện Cẩm Mỹ vẫn đảm bảo hoàn thành mục tiêu kép là vừa kiểm soát dịch và vừa duy trì sự phát triển kinh tế.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Cẩm Mỹ là huyện thuần nông, chưa có khu – cụm công nghiệp đang từng bước thực hiện chuyển dần cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp. Trong đó, mục tiêu là phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu, chuyển các ngành chế biến thô, sử dụng nhiều lao động sang các ngành chế biến tinh, tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị tăng cao, tạo ra sức cạnh tranh lớn. Tuy trải qua hơn một năm đối phó với dịch bệnh Covid-19, thế nhưng các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn vẫn nỗ lực để duy trì sản xuất, qua đó giúp người lao động có việc làm và thu nhập trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Ông Trịnh Văn Khánh, Phó trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Cẩm Mỹ cho biết, để đạt được mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế, huyện Cẩm Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động và phát triển. Theo đó, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai rà soát và áp dụng các chính sách về khuyến công đến với các cơ sở sản xuất bằng nhiều hình thức và cách làm khác nhau, để các chính sách khuyến công đến gần hơn các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn.
Cơ sở nội thất Quang Lâm, xã Xuân Quế có gần 20 năm chế tác và gia công các sản phẩm về mộc mỹ nghệ và tượng tôn giáo. Gần 2 năm qua có thể nói là quãng thời gian khó khăn nhất từ trước đến nay của cơ sở. Tuy gặp khó khăn về đầu ra, song chủ cơ sở vẫn cố gắng để duy trì sản xuất nhằm tạo việc làm cho 3 lao động của cơ sở.
Ông Đoàn Quang Lâm, Chủ Cơ sở nội thất Quang Lâm cho hay, dịch bệnh đã khiến sản xuất của cơ sở gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng duy trì sản xuất, tìm kiếm khách hàng nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Cơ sở nội thất Quang Lâm hiện có 3 thợ giỏi được tỉnh Đồng Nai công nhận năm 2017. Năm 2021, huyện Cẩm Mỹ chọn cơ sở này để làm hồ sơ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện và tỉnh. Một số cơ sở công nghiệp nông thôn khác trên địa bàn còn được chọn để thực hiện đề án xây dựng và phát triển thương hiệu; Chương trình nâng cao nâng lực quản lý cho cơ sở công nghiệp nông thôn; Chương trình nâng cao năng lực tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công và xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi.
Giữ vững thị trường xuất khẩu
Chính thức thành lập và đi vào hoạt động 2 năm nay, thế nhưng đó cũng là quãng thời gian vô cùng khó khăn của Công ty TNHH thương mại Công Chánh, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ. Với ngành nghề chính là sản xuất, gia công trang phục và đồ bảo hộ lao động, thị trường 100% là nước ngoài nên năm 2020 vừa qua có thể nói là năm doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro nhất. Theo đó, đơn hàng giảm, người lao động không có việc làm, thu nhập bấp bênh nên phần lớn đã nghỉ việc và tìm công việc khác.
Ông Văn Công Uy, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Công Chánh chia sẻ: “Thời điểm mới đi vào hoạt động, lao động của công ty lên đến 40 người, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 50% trong số đó đã nghỉ và tìm việc làm mới. Từ đầu năm 2021 đến nay, bằng nhiều giải pháp và nỗ lực của mình, doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng mới, đủ để duy trì sản xuất. Thế nhưng việc tuyển dụng lao động lại gặp khó khăn.
Với đặc thù là địa phương có đông đảo công nhân cao su nghỉ hưu, việc có thêm việc làm, có thêm thu nhập cho người lao động có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Nếu như năm 2020, Công ty TNHH thương mại Công Chánh đã phải cho người lao động nghỉ 2 đợt do dịch bệnh và đơn hàng ít thì từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã phải tuyển dụng thường xuyên và tổ chức sản xuất liên tục để đáp ứng các đơn hàng lớn của khách hàng đến từ New Zealand. Việc được ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng và trực tiếp xuất khẩu đã phần nào cắt giảm được những chi phí không cần thiết nên giá thành cạnh tranh hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác. Giá thành thấp, sức cạnh tranh tăng cao nên doanh nghiệp tiếp tục nhận được những đơn hàng mới để sản xuất đến cuối năm 2021, từ đó tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động địa phương. Đảm bảo thu nhập cho người lao động với mức lương từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Minh Thư