Chọn ngành công nghiệp phụ trợ để khởi nghiệp

 “Trong ngành công nghiệp phụ trợ, để có thể lớn mạnh và cung cấp được hàng cho đối tác nước ngoài, thì doanh nghiệp phải có sự đầu tư cải tiến về năng suất, chất lượng mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng”, anh Nguyễn Hòa An,  Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP.Biên Hòa) chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình.

Giám đốc Nguyễn Hòa An kiểm tra dây chuyền máy móc mới nhập xưởng. 

Để có được cơ ngơi như ngày nay và sự tin tưởng từ đối tác, anh An cũng phải mất 15 năm lăn lộn trong ngành sản xuất cơ khí-khuôn mẫu tại các doanh nghiệp nước ngoài trong khu công nghiệp.

Theo anh An, gần 20 năm trước, anh Hòa An biết đến nghề sản xuất khuôn mẫu khi làm việc tại các công ty nước ngoài ở Đồng Nai. Qua nhiều công ty, học hỏi được những kinh nghiệm trong sản xuất và cảm thấy đây là cơ hội để bản thân thử sức, tạo ra các sản phẩm công nghiệp phụ trợ của chính doanh nghiệp Việt nên năm 2015, anh An mở xưởng sản xuất ban đầu tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, sau đó thành lập Công ty TNHH Một thành viên khuôn An Trung Phát. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất các sản phẩm khuôn mẫu, dây điện, phụ tùng dân dụng…thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Do phát triển đúng hướng, phù hợp với nhu cầu của khách hàng nên sản phẩm của công ty được nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài biết đến, hợp tác cung cấp sản phẩm. Để tạo tiếng vang cho sản phẩm của mình, anh Nguyễn Hòa An tham gia chương chương trình xét chọn hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu do Sở Công thương tổ chức và đạt nhiều chứng nhận. Từ đó, doanh nghiệp mở rộng sản xuất thêm các sản phẩm công nghiệp cho các mặt hàng điện tử, điện lạnh và ô tô, xe máy. Hướng đi của doanh nghiệp là tiếp cận và bán hàng trực tiếp được cho các công ty nước ngoài, đặc biệt là công ty của Nhật Bản mà không qua khâu trung gian. Làm được như vậy, giá trị của hàng công nghiệp nội mới được ghi nhận xứng đáng và lợi nhuận cũng tăng lên. Hiện công ty đã cúng cấp được sản phẩm cho Công ty Sanyo Việt Nam và một số doanh nghiệp Nhật Bản khác.

Thị trường lớn hơn nên anh An tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất và thay thế máy móc chuyên nghiệp hơn. Năm 2019, nhận thấy nhà máy sản xuất cũ đã quá chật và không còn phù hợp với định hướng mới của công ty nên anh An chuyển nhà máy về khu vực phường Phước Tân, TP. Biên Hòa với diện tích lớn và thuận lợi hơn. Công ty TNHH Một thành viên khuôn An Trung Phát cũng được đổi tên thành Công ty TNHH kỹ thuật công nghiệp An Phát, thể hiện tầm nhìn rộng hơn.

“Hiện tại, công ty đang vừa sản xuất vừa mở rộng nhà xưởng, đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại để phù hợp với quy mô mới. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với các doanh nghiệp trong Chi hội hàng công nghiệp phụ trợ thuộc Hội doanh nhân trẻ Đồng Nai để nghiên cứu, cung cấp cho thị trường ngày càng nhiều hơn sản phẩm của doanh nghiệp Việt”, anh Nguyễn Hòa An cho hay.

Giám đốc Nguyễn Hòa An đang giới thiệu cho công nhân làm khuôn mẫu .

Theo Giám đốc Nguyễn Hòa An, khó khăn hiện nay của các doanh nói chung và ngành cơ khí-khuôn mẫu nói riêng là lao động. Ngoài vấn đề thiếu lao động chất lượng cao thì tính kỷ luật đối với người lao động đang thấp. Tình trạng nhảy việc thường nhảy ra, với những doanh nhỏ như công ty của anh để đào tạo một công nhân lành nghề rất khó, tuy nhiên lại thường phải đối mặt với sự thu hút từ các doanh khác, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, để cho khách hàng tin tưởng, dùng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của mình thì ngay từ đầu, doanh nghiệp buộc phải làm đủ, làm đúng những tiêu chuẩn khắt khe nhất. Cái dễ thấy nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nói chung là đều đi lên từ những người thợ, trong giai đoạn đầu phát triển rất tốt, rất thành công nhưng đến một giai đoạn phát triển nhất định, doanh nghiệp lớn lên không nổi. Nguyên do là trình độ quản lý, nghiệp vụ quản trị sản xuất của người chủ hạn chế hoặc không có khiến cho doanh nghiệp lầm vào khó khăn, chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu, hoặc hàng sản xuất nhiều nhưng chi phí lại quá cao…

Rút kinh nghiệm trên, anh An cho biết, hướng đi của mình là phải đầu tư công nghệ sản xuất, đào tạo con người, làm chuẩn ngay từ đầu để hoạt động sản xuất đi vào một cách chuyên nghiệp. Khi đáp ứng đủ những tiêu chuẩn cao của các đối tác thì lẽ tự nhiên, khách hàng sẽ tìm đến nhiều hơn.

 Lê Văn