CHÀNG TRAI 8X KHỞI NGHIỆP VỚI MÔ HÌNH TRỒNG NẤM RƠM TẠI HUYỆN VĨNH CỬU

Với bản tính nhanh nhạy, ham học hỏi, anh Nguyễn Trương Kiến Khương (sinh  năm 1986) tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu là người đã thực hiện khởi nghiệp thành công mô hình trồng nấm rơm công nghệ cao trên kệ trong nhà. 

    Là một sinh viên chuyên ngành công nghệ sinh học, vào năm cuối đại học, Khương bén duyên với nấm. Cũng chính niềm đam mê đó, sau khi tốt nghiệp anh vào làm việc ở Phòng Vi sinh, Viện Sinh học Tây nguyên để tiếp tục được nghiên cứu về nấm. Tại đây, Khương nghiên cứu sâu về cách trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu. Sau gần 5 năm làm việc tại đây, đầu năm 2012, anh quyết định trở về quê và anh vào làm việc ở Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, niềm đam mê và dự định khởi nghiệp với nấm vẫn được Khương ấp ủ.

    Năm 2016, anh Khương cùng hai người bạn là anh Nguyễn Hữu Văn (tốt nghiệp Thạc sĩ Công nghệ sinh học) và anh Phạm Tuấn Đạt (kỹ sư xây dựng) khởi nghiêp trồng nấm rơm tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu: 3 chàng thanh niên chính thức gia nhập cuộc chơi biến niềm đam mê với nấm thành công việc kiếm tiền. Khởi đầu, bộ ba phân công trách nhiệm: anh Khương, Văn phụ trách về kỹ thuật nuôi trồng nấm, Ðạt chuyên về thiết kế, xây dựng nhà xưởng. Tháng 4/2017, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vinh Phúc (HTX Vinh Phúc), xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu chuyên về nấm ra đời.

    Một thuận lợi khi bắt đầu khởi nghiệp của ba chàng trai là về mặt bằng trồng nấm – sử dụng đất của gia đình tại xã Thiện Tâm, nên giảm được áp lực trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng; và cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng kiên cố.

    Bên cạnh đó có khó khăn lớn là về Vốn, cộng với khi làm thực tế thì mọi thứ không giống như lý thuyết. Dù 2 trong 3 người học về chuyên ngành công nghệ sinh học, nhưng khởi đầu của họ là liên tiếp thất bại về kỹ thuật. Trong gần nửa năm đầu tiên, họ thất bại hết lứa này đến lứa khác “nấm ra lẹt đẹt, lúc có, lúc không; thậm chí có những lứa không có cây nấm nào”, anh Khương cho hay. Sau mỗi thất bại, Khương và Văn ngồi lại cùng nhau phân tích, hoàn thiện quy trình. Mãi đến đầu năm 2018, việc trồng nấm của họ mới đi vào ổn định.

    Nấm rơm, loại nấm mà nhóm chọn trồng giờ đây đã có một quy trình hoàn chỉnh và đảm bảo thành công. Khác với cách trồng nấm rơm thông thường là ủ rơm và cấy nấm ngoài trời, anh Khương và 2 người bạn chọn cách ủ nguyên liệu, lên men và cấy nấm trong buồng kín với các thông số phù hợp. Cách làm này giúp cho nấm ít bị nhiễm bệnh, cho chất lượng tốt và năng suất ổn định hơn. Trại nấm mỗi ngày cho thu hoạch đều đặn khoảng 40kg – 50 kg. Đầu ra được cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch tại Biên Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài nấm thương phẩm, HTX Vinh Phúc còn bán giống cho người dân và trồng thêm rau hữu cơ để tận dụng nguồn nguyên liệu trồng nấm sau khi hết hạn sử dụng.

Nấm rơm được trồng theo phương pháp hữu cơ tại Vinh Phúc farm

    Anh Khương chia sẻ: Hợp tác xã đang chuẩn bị xây thêm nhà trồng nấm, nghiên cứu để trồng thêm nấm bào ngư, nấm mèo… Ngoài nấm thương phẩm, trại nấm còn bán giống cho người dân. Với nguồn thu từ bán nấm, bán giống…, mô hình bắt đầu có lợi nhuận. Sau thời gian đầu của khởi nghiệp – bỏ việc đi trồng nấm, anh Khương thừa nhận mình và các bạn đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

    Mạnh dạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với mô hình trồng nấm công nghệ cao, anh Khương không chỉ tạo ra một cơ hội phát triển kinh tế cho gia đình và bản thân, mà còn tạo ra một sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.

Nguyễn Quốc Cường.