Chàng thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp nuôi dế làm thức ăn

Khởi nghiệp đối với những thanh niên bình thương đã là con đường đầy chông gai và thách thức, nhưng đối với người khuyết tật như anh Đỗ Văn Tiên, ở xã Tam An, huyện Long Thành lại càng khó khăn bội phần. Nhưng với ý chí, nghị lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, năm 2019, anh Tiên đã mạnh dạn bắt tay khởi nghiệp bằng việc nuôi lươn không bùn kết hợp nuôi dế làm thức ăn.

Anh Đỗ Văn Tiên cùng bạn đồng hành trình bày dự án nuôi lươn không bùn kết hợp nuôi dế làm thức ăn tại Cuộc thi thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với chương trình OCOP năm 2020

Anh Tiên cho biết, cách đây hơn 10 năm, anh bị tai nạn giao thông phải cưa 2 chân. Ở độ tuổi 18, mang trong mình biết bao ước mơ, hoài bão nhưng anh phải dần làm quen với chiếc xe lăn. Không đầu hàng số phận, anh Tiên bắt đầu tìm hiều về các mô hình chăn nuôi. Năm 2019, thấy mô hình nuôi lươn không bùn phù hợp với điều kiện bản thân vì nuôi lươn dễ chăm sóc và không tốn quá nhiều công sức, nhu cầu thị trường lớn, giá thành cũng cao nên anh đã mạnh dạn đầu tư xây bể nuôi lươn không bùn kết hợp với nuôi dế.

Nhớ lại những tháng ngày mới bắt tay vào nuôi lươn, anh Tiên bùi ngùi chia sẻ: thả lứa đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên chỉ sau hơn 1 tháng nuôi, hơn 50kg lươn giống bị chết khá nhiều. Không nản chí, anh Tiên vẫn quyết tâm đầu tư nuôi tiếp, đồng thời lên mạng tìm hiểu, học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi lươn. Ngoài ra, anh Tiên còn đến Vũng Tàu để học tập kinh nghiệm và chọn con giống về nuôi. Sau 5 tháng thử nghiệm, mô hình nuôi lươn không bùn của anh đã thành công.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi lươn không bùn, anh Tiên cho hay, để lươn có chỗ trú ẩn, trong bể đặt vỉ tre đan hoặc túi ni lông. Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng thay toàn bộ nước để lươn có môi trường sống sạch. Muốn lươn nhanh lớn và có tỷ lệ sống cao, khâu quan trọng nhất là phải bảo đảm nguồn con giống có xuất xứ rõ ràng, không xây xát, kích cỡ đồng đều. Tiếp đến, nguồn nước nuôi phải sạch, nếu nước bẩn lươn dễ bị mắc bệnh và chết. Nguồn thức ăn của lươn, ngoài trùn quế, thức ăn khô, anh Tiên còn nuôi dế để sử dụng làm thức ăn cho lươn.

Hiện, mô hình nuôi lươn của anh Tiên có quy mô khoảng 20-30 ngàn con và cung cấp chủ yếu cho Công ty Thực phẩm Nhật Hà (chuyên cung ứng các món ngon đặc sản vùng miền) có trụ sở đặt tại thành phố Biên Hòa.

Anh Tiên bộc bạch, đã 2 năm trôi qua nhưng hiện tại anh vẫn vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cũng theo anh Tiên, hiện mô hình nuôi lươn không bùn đang nở rộ với một người khuyết tật đôi chân như anh việc nuôi đã khó, gặp phải cạnh tranh lại càng khó khăn hơn. Tuy vậy, khởi nghiệp là điều mà anh luôn trăn trở để có thể ổn định cuộc sống gia đình nên nhất định anh sẽ không bỏ cuộc.

Dự án nuôi lươn không bùn kết hợp nuôi dế làm thức ăn của anh Tiên là một trong 10 dự án được lọt vào vòng chung kiết cuộc thi Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với chương trình OCOP tỉnh Đồng Nai lần thứ I năm 2020 và đã đạt giải Ba tại cuộc thi.

P.Hương