CHÀNG CỬ NHÂN BÉN DUYÊN VỚI NGHỀ NÔNG

Sinh ra và lớn lên tại TP.Biên Hòa, tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh, anh Nguyễn Ngọc Quý (sinh năm 1992, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) lại quyết định về quê chọn nghề trồng nấm rơm sạch để khởi nghiệp.

Năm 2014, Nguyễn Ngọc Quý tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Trường đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. Ra trường, với sức trẻ và nhiều đam mê, Quý đã trải qua rất nhiều công việc như làm nhà hàng, buôn bưởi… Được bạn bè giới thiệu và tìm hiểu về nghề trồng nấm, nên anh Quý quyết định bỏ việc về nhà để khởi nghiệp. Đây là một quyết định bất ngờ và đầy táo bạo của chàng trai trẻ.

Năm 2015, Quý bắt đầu khởi nghiệp với nấm linh chi. Tuy nhiên, do khó khăn về đầu ra nên sau đó anh nhanh chóng quyết định chuyển hướng sang trồng nấm rơm, loại sản phẩm lúc đó đang được thị trường tiêu thụ mạnh. Rút kinh nghiệm, trước khi bắt tay vào làm, Quý dành nhiều tháng rong ruổi khắp các trại nấm lớn trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh miền Tây để học hỏi về kỹ thuật trồng nấm rơm.

Cuối năm 2017, Quý chính thức bắt tay trồng nấm rơm. Khu vườn khoảng 700m2 của gia đình nằm ở một con hẻm nhỏ ở phường Thống Nhất được đầu tư, cải tạo trở thành trại trồng nấm.

Tuy nhiên, khởi đầu với nghề nấm rơm của Quý lại gói gọn trong 2 chữ “thất bại” vì cả 3 lứa nấm đầu tay đều hư. “Lúc đó cũng khá nản nhưng được sự động viên, hỗ trợ từ phía gia đình nên tôi không đầu hàng. Tôi mày mò tìm hiểu để biết vì sao mình thất bại và tiếp tục làm lại lứa nấm mới”, Quý kể về giai đoạn khởi nghiệp khó khăn.

Ðến đầu năm 2018, sự quyết tâm của Quý được đền đáp. Sau 3 lứa nấm đầu thất bại thì lứa nấm tiếp theo cho kết quả khả quan hơn. Theo Quý, vì là mô hình trồng nấm trong nhà nên đòi hỏi các tiêu chí kỹ thuật khắt khe hơn so với trồng nấm ngoài trời. Do đó, vừa làm, Quý lại vừa đúc rút quy trình trồng phù hợp nhất đối với điều kiện của anh.

Với 500m2 đất, Quý xây dựng 6 nhà trồng nấm để đáp ứng việc “gối đầu”, đảm bảo có hàng cung cấp liên tục cho bạn hàng. Hiện tại, trại nấm rơm của anh hằng tháng cung cấp ra thị trường khoảng 400 – 500kg nấm rơm với giá bán ra từ 60.000 – 80.000 đồng/kg. Hiện thị trường cung cấp chính của trại nấm là khu vực TP. Biên Hòa và một số địa phương lân cận. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, chủ động quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội… Bên cạnh đó, Quý cũng được Hội Nông dân TP. Biên Hòa hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất sạch theo hướng VietGAP để tăng hiệu quả kinh tế.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà của anh Nguyễn Ngọc Quý tại phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa Ảnh: H.Hải

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà của anh Nguyễn Ngọc Quý

Có được thành công bước đầu với nấm rơm, Nguyễn Ngọc Quý tiếp tục thực hiện tham vọng làm nông hiện đại mà mình đã ấp ủ từ lâu.

Theo Quý, làm nông hiện đại, người nông dân không những chỉ biết sản xuất mà còn phải biết bán hàng do mình làm ra để thu lợi cao nhất. Do đó, việc thực hiện một chuỗi phân phối nông sản sạch là điều anh ấp ủ từ lâu. Chia sẻ về ý tưởng của mình, Quý cho biết, cuộc sống hiện nay đa phần người dân, nhất là phụ nữ ở các thành phố lớn rất bận rộn với công việc công sở hằng ngày. Do đó, nhiều bà nội trợ không có thời gian đi chợ để nấu ăn cho gia đình. Từ thực tế này, Quý quyết định thực hiện mô hình bán thực phẩm đến tận nhà để phục vụ khách hàng. Hiện anh đang nỗ lực tìm kiếm và ký kết thu mua với các nguồn cung cấp hàng để có thể sớm khai trương dịch vụ bán thực phẩm đến tận nhà. Ngoài ra, một định hướng mà Quý chia sẻ khi thực hiện ý tưởng này là anh sẽ chỉ cung cấp các loại thực phẩm sạch, an toàn.

Anh Quý cho hay, bản thân anh là người từng trải qua rất nhiều nghề như buôn bưởi, làm nhà hàng và cũng chịu rất nhiều thất bại, khởi nghiệp, nhất là với nông nghiệp phải có đam mê. Nếu không thì rất dễ nản chí và bỏ cuộc. Nếu có đam mê thì sẽ vượt qua khó khăn trở ngại rất nhanh. Và khi trở lại chúng ta thường mạnh mẽ hơn và đúc rút được nhiều điều hay từ thất bại trước đó để tránh lặp lại sai lầm.

Nguyễn Hoàng Tuấn.