Nhắc đến Gcalls, nhiều người nghĩ ngay đến dự án startup công nghệ đầu tiên nhận được cái gật đầu trị giá triệu đô từ chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi thuyết phục được các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tin tưởng rót vốn, những chàng trai startup sáng lập Gcalls đã có một hành trình khởi nghiệp đầy chông gai và cũng không kém phần thú vị.
Đôi bạn khởi nghiệp đặc biệt nhận vốn triệu đô từ thương vụ bạc tỷ / Từ chương trình Shark Tank bài học mỗi startup có thể học được
Tự chọn lựa con đường đi… khó
Phạm Tấn Phúc (năm sinh 1990) và Nguyễn Xuân Bằng (sinh năm 1991) cùng là kỹ sư từng học chung tại trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh. Ngay từ khi còn là những sinh viên năm nhất, năm hai đại học, hai chàng trai này đã bắt đầu nuôi ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trong suốt thời gian sinh viên và khi mới ra trường, Phúc và Bằng đều đi làm thêm, làm việc cho các công ty để tích lũy kinh nghiệm và học hỏi quy trình vận hành của doanh nghiệp phục vụ cho dự án khởi nghiệp. Khi lựa chọn công việc làm thêm, Phạm Tấn Phúc cũng chủ động xin làm ở phòng bán hàng hoặc marketing của các công ty để học hỏi cách thức bán hàng và tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho những sản phẩm trong tương lai của mình.
Dự án đầu tiên của Phúc và Bằng có tên Clicknow bắt đầu từ năm 2010
Ý tưởng bắt đầu từ việc xây dựng một ứng dụng thành phố ảo (kết hợp giữa game với thực tế trải nghiệm của khách hàng) có thể thu thập thông tin cảm nhận của người sử dụng dịch vụ từ đó giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận tốt hơn với khách hàng của mình.
Để có vốn khởi nghiệp, cả nhóm gồm 6 người làm đơn xin gia hạn đóng học phí ở trường và gom được hơn 12 triệu đồng để mua thiết bị lập trình. Họ đã xác định sản phẩm cuối cùng là gì nhưng với bản năng của những người trẻ ở tuổi đôi mươi, mỗi người một chính kiến riêng, ai cũng muốn làm theo ý của mình dẫn đến phân tán nguồn lực, không thể tập trung vào điều quan trọng nhất là phát triển sản phẩm. Thất bại là điều khó tránh khỏi.
Sau thất bại đầu tiên, Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng bắt đầu dự án khởi nghiệp lần thứ 2
Lần này, sản phẩm là ứng dụng kết nối tuyển dụng mang tên HRkey. Ý tưởng này xuất phát từ thực tế là trong khi các doanh nghiệp rất khó tuyển dụng được nhân sự đáp ứng đúng nhu cầu của mình, còn sinh viên, người lao động thì không tìm được công việc phù hợp. HRkey hình thành với mong muốn kết nối những doanh nghiệp với người lao động có trình độ, kỹ năng tương ứng.
Nguyễn Xuân Bằng chia sẻ: “Để giới thiệu sản phẩm này tới các doanh nghiệp, tụi em đã nghĩ ra cách đăng ký xin phỏng vấn ở các doanh nghiệp đang tuyển dụng. Mục đích là chờ đến cuối cuộc phỏng vấn, khi nhà tuyển dụng hỏi ngược lại “Em có câu hỏi hay ý kiến gì không?” thì sẽ giới thiệu ứng dụng mà tụi em đang làm. Nhờ thế, mình biết nhiều nhà tuyển dụng bất ngờ và sản phẩm của tụi em đánh trúng vào vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang quan tâm”.
Thế nhưng một lần nữa, thành công chưa mỉm cười với Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng. Nguyên nhân là mặc dù sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng nhưng không thương mại hóa được, bởi ở Việt Nam mỗi doanh nghiệp có một quy trình tuyển dụng rất khác nhau, mang tính tự phát mà không theo một quy trình chuẩn nào. Do đó rất khó để có một sản phẩm công nghệ dùng chung cho tất cả doanh nghiệp, còn nếu xây dựng ứng dụng riêng cho từng doanh nghiệp thì chi phí quá lớn.
Sau dự án này, Nguyễn Xuân Bằng quyết định đi du học còn Phạm Tấn Phúc ấp ủ một ứng dụng khác, đó là bản đồ chống hàng giả Thasa. Đề án này đã được Ngân hàng Thế giới (World Bank) đầu tư 3.000 USD nhưng cuối cùng cũng “đứt gánh giữa đường” vì kinh phí không đủ cho một ứng dụng mang tầm cỡ quốc gia.
Thất bại, cạn vốn sau ba lần khởi nghiệp không làm chàng trai này nản chí.
Trong thời gian làm gia công phần mềm quản lý doanh nghiệp và phần mềm cho các công ty thương mại điện tử để trang trải cuộc sống, Phạm Tấn Phúc nhận thấy tiềm năng của thị trường thương mại điện tử, không chỉ ở phạm vi trong nước mà hoạt động này sẽ phát triển ở quy mô khu vực và toàn cầu. Thương mại điện tử phát triển đồng nghĩa với việc nhu cầu trao đổi giữa người bán và người mua sẽ tăng lên; trong khi đó hạ tầng viễn thông đường dài chưa thật sự ổn định.
Nghe những chia sẻ của Phúc, năm 2015, Nguyễn Xuân Bằng quyết định về nước, hai người tiếp tục đồng hành với nhau trong dự án Starup mới mang tên Gcalls. Theo Bằng, nhu cầu kết nối thông tin của xã hội sẽ ngày càng cao, đặc biệt là trong các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, thương mại điện tử.
Lúc đó, nhân viên ở các doanh nghiệp đang sử dụng cùng lúc rất nhiều ứng dụng liên lạc khác nhau để liên hệ với khách hàng, đối tác vì tại Việt Nam chưa có ứng dụng nào có thể giúp doanh nghiệp quản lý toàn diện các các hoạt động liên lạc. Gcalls được thiết kế để trở thành phần mềm có thể giúp người dùng quản lý toàn bộ quá trình trao đổi thông tin, có thể sử dụng ở cả hai điều kiện có hoặc không có kết nối internet.
Thành quả ngọt ngào từ sự kiên trì và đồng lòng
Khi bắt đầu lại với Gcalls, Phúc và Bằng xác định sẽ xây dựng nền tảng sản phẩm ngay từ đầu, xác định rõ đối tượng phục vụ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sau đó phát triển sản phẩm theo từng nhóm khách hàng mục tiêu.
Muốn đi đường dài, trong khi vốn khởi nghiệp của cả hai thành viên sáng lập chỉ là những kiến thức về công nghệ và khao khát được đóng góp một phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Gcalls bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư.
“Ngày đó, mình mò mẫm, gửi thông tin dự án qua email cho các nhà đầu tư, quỹ đầu tư ở khắp nơi, cứ gửi thôi chứ biết là khó khăn lắm. Vì khi đó, tụi mình chưa ra được sản phẩm cụ thể, doanh nghiệp chỉ có 2 người và một tờ giấy bản vẽ mô tả sản phẩm”, Phạm Tấn Phúc chia sẻ.
Qua nhiều lần giới thiệu, thông tin dự án Gcalls đã đến được với Tập đoàn Viễn thông Teltra của Australia.
Teltra yêu cầu Phúc và Bằng thành lập doanh nghiệp ở Singapore và đầu tư vào 40.000 SGD (đô la Singapore) thông qua quỹ Muru -D. Chia sẻ về sự kiện này, Phạm Tấn Phúc cho rằng, mình may mắn khi gọi được khoản đầu tư từ giai đoạn đầu của dự án.
Tuy nhiên, sự may mắn này không tự nhiên mà đến bởi trước đó những người sáng lập Gcalls đã có sự tập trung, đầu tư vào nghiên cứu thị trường và xác định rõ tầm nhìn cho doanh nghiệp của mình, đây là yếu tố để nhà đầu tư nước ngoài quyết định rót vốn. Sau Teltra, Gcalls tiếp tục nhận được vốn từ một số nhà đầu tư khác, đến nay tổng vốn thu hút được là 280.000 SGD và để vươn ra khu vực, Gcalls vẫn đang tìm kiếm những nhà đầu tư chiến lược mới.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển công ty, Phạm Tấn Phúc thẳng thắn, ở Việt Nam, cái mình làm được hôm nay, ngày mai sẽ có người khác làm được. Vào thời điểm Gcalls ra đời, nó được xem là ứng dụng tiên phong nhưng hiện tại, ở Việt Nam đã có nhiều ứng dụng tương tự. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Gcalls.
Theo đó, khi Gcalls ra đời, nhiều người còn hoài nghi về nhu cầu thị trường của nó.
Tuy nhiên khi Gcalls xuất hiện của nhiều ứng dụng tương tự và sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này đã chứng tỏ, nhu cầu thị trường này là có thực và quy mô rất lớn. Sự cạnh tranh của các ứng dụng tương tự chính là động lực để những người xây dựng Gcalls liên tục cải tiến, hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ của mình.
Nguyễn Xuân Bằng khẳng định, Gcalls tồn tại và phát triển được tới nay là nhờ vào những bài học kinh nghiệm đã rút ra từ những lần thất bại trước cộng với sự kiên trì của cả Phúc và Bằng. Bài học lớn nhất sau những lần khởi nghiệp thất bại là khi làm việc nhóm phải có người nhóm trưởng, đưa ra được định hướng phát triển. Hơn nữa, mọi người phải tin tưởng nhau và quyết tâm, đồng lòng vào một mục tiêu chung.
Phạm Tấn Phúc cũng chia sẻ, lúc bắt đầu một dự án mới, ai cũng háo hức nên khi sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thực tế, phải lập trình lại thì rất dễ nảy sinh tâm lý chán nản và từ bỏ. Nhưng những kinh nghiệm tích lũy từ những dự án trước cũng như quyết tâm làm được một sản phẩm công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giúp Phúc và Bằng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện, Gcalls đã đưa Phạm Tấn Phúc đến Hội nghị Thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu (GES2016) do Tổng thống Mỹ Obama tổ chức tại Thung lũng Silicon. Cùng với Gcalls, Nguyễn Xuân Bằng cùng 20 doanh nhân, nhà quản lý khác được chọn để tham gia chương trình Entrepreneurship & Innovation tại Israel. Trước đó, Gcalls đã đoạt giải ý tưởng sáng tạo nhất tại Startup Wheel và giải nhất AngelHack tại Việt Nam, giành vé đi Thung lũng Silicon trình bày với các nhà đầu tư Mỹ.
Tới thời điểm này, Gcalls đã được cải tiến thành phiên bản thứ 3, cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng ở các nhóm khác nhau,
Từ các shop online nhỏ cho tới các công ty công nghệ trực tuyến như Edu2Review, bTaskee, Ezcloud; từ các trung tâm ngoại ngữ như KTDC cho tới các doanh nghiệp lớn như sơn KOVA, Massan… với doanh thu đến nay là hơn 200.000 USD (khoảng gần 5 tỷ đồng). Những người sáng lập Gcalls đã đặt mục tiêu đến tháng 9/2019 (4 năm thành lập doanh nghiệp) sẽ đạt doanh thu 10 tỷ đồng, đến năm 2020 sẽ đạt 1 triệu USD đầu tiên. Về thị trường, Gcalls hướng tới mục tiêu cung cấp ứng dụng ra các nước Đông Nam Á với mỗi quốc gia có ít nhất 3 khách hàng. Những con số trên có lẽ còn rất khiêm tốn so với các “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ nhưng cái mà Gcalls có được chính tiềm năng phát triển rộng mở ở phía trước.
Nguyễn Xuân Bằng quan niệm sự khác biệt của mỗi doanh nghiệp nằm ở tầm nhìn, quyết tâm và khao khát của người lãnh đạo, còn Phạm Tấn Phúc xác định lợi thế cạnh tranh lớn nhất của một doanh nghiệp mà không đối thủ nào có thể sao chép lại chính là khả năng sáng tạo liên tục. Lối tư duy đó và sự đồng lòng của hai người sáng lập là những nền tảng tốt để Gcalls từng bước khẳng định vị thế của mình và sớm vươn ra thị trường khu vực.