Sau hơn 10 năm gắn bó với công việc làm công nhân, năm 2013, chị Vương Ái Lan, ngụ ấp Bình Thạnh, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) quyết định từ bỏ công việc công nhân để về quê thuê 3.000 m2 đất khởi nghiệp với nghề nuôi lươn không bùn và sản xuất lươn giống. Đến nay, cơ sở cung cấp con giống Hoàng Lan đã và đang cung cấp lươn giống cho thị trường khắp các tỉnh trong cả nước.
Không giống như các hộ nông dân khác vùng là trồng cây ăn trái truyền thống làm hướng đi phát triển kinh tế, chị Vương Ái Lan, ngụ ấp Bình Thạnh, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) lại lựa chọn phát triển mô hình mới mà địa phương chưa có là xây dựng trang trại nuôi lươn không bùn, nhờ đó mỗi năm mang lại cho chị nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Không có đất trong tay, song với niềm đam mê, chị Lan đã phải vay mượn nguồn vốn từ người thân trong gia đình và bạn bè để thuê đất, quyết tâm thực hiện mô hình. Tuy nhiên, do ban đầu chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức nên việc nuôi lươn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lần thất bại.
“Lúc đầu mình không biết độ PH trong nước giếng khoan khá thấp, nên không phù hợp cho lươn sinh trưởng, dẫn đến lứa lươn đầu tiên chết quá nửa, số còn lại cũng phát triển èo uột, năng suất đạt khá thấp, không được thị trường chấp nhận”, chị Lan nhớ lại.
Không nản trí, chị thuê xe lên tận Tây Ninh học hỏi thêm về mô hình nuôi lươn không bùn, đồng thời chị lên mạng học hỏi thêm kiến thức và kỹ thuật nuôi. Theo kinh nghiệm của chị Lan, nuôi lươn không bùn không khó, quan trọng nhất là phải bảo đảm được độ PH trong nước. Để con lươn sinh trưởng và phát triển tốt, thì độ PH từ 6,5 – 8 là bảo đảm. Thức ăn chính của lươn là cám viên trộn chùn quế hoặc dịch chùn quế. Nếu không có chùn quế có thể cho ăn thức ăn công nghiệp. Lươn nhỏ cho ăn 2 lần/ngày, còn khi lớn chỉ cần cho ăn 1 lần/ngày.
“Nếu nuôi lươn thịt, trên diện tích 1m2 có thể nuôi được 500 con khi lươn còn nhỏ và khoảng 200 con khi lương đã lớn. Khi nuôi, cứ 1 tháng thì phải tách bầy 1 lần để bảo đảm diện tích cho lươn phát triển và tăng hiệu quả nuôi. Thời gian nuôi khoảng từ 8-10 tháng là có thể xuất bán, khi đó trọng lượng mỗi con có thể đạt từ 200-400 gam”, chị Lan cho biết.
Với diện tích toàn bộ trang trại trên 3.000m2, đến nay chị Lan đã phát triển diện tích nuôi lươn không bùn được khoảng 600m2, trong đó vừa thả nuôi lươn thịt thương phẩm và nuôi lươn giống để cung ứng cho nhu cầu của thị trường.
Cũng theo chị Lan, chi phí để nuôi được 1 kilogam lươn thịt thì cần 3 kilogam mồi, lợi nhuận đạt khoảng 30-60% giá thành nuôi tùy thời điểm. Với giá bán lươn thịt hiện nay vào khoảng 180 ngàn đồng/kg, song trang trại của chị không có hàng để bán.
Không chỉ thành công với mô hình nuôi lươn thịt không bùn, qua thử nghiệm và nghiên cứu, đến nay trang trại của chị Lan còn có thể nuôi lươn đẻ để tự sản xuất con giống cung ứng cho trang trại và nhu cầu nuôi của thị trường khắp các tỉnh trong cả nước.
“Ban đầu mình cứ nghĩ sản xuất con giống là vô cùng khó khăn, tuy nhiên sau vài lần thử nghiệm và rút ra kinh nghiệm, hiện tại cơ sở của mình có thể sản xuất con giống cung cấp cho hầu hết các trang trại nuôi lớn trong vùng”, chi Lan cho hay.
Theo ông Cổ Thanh Dũng, Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Hòa, địa phương luôn khuyến khích nông dân mạnh dạn phát triển các mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện mô hình nuôi lươn không bùn và sản xuất lươn giống của chị Lan đang là mô hình điểm để Hội Nông dân xã tổ chức nhân rộng.
Thanh Cảnh