Nhờ nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, chịu khó học hỏi và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhiều bạn trẻ tại Đồng Nai đã thành công với mô hình trồng nấm sạch cũng như sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ nấm.
Chị Hoàng Vân kiểm tra phôi nấm
Chị Hoàng Vân (ngụ tại tổ 15, ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2,huyện Thống Nhất) bén duyên với nghề trồng nấm sạch gần 2 năm nay. Là sinh viên ngành Luật vừa mới ra trường, tuổi trẻ, kinh nghiệm và vốn liếng chưa có nhiều nhưng với tinh thần ham học hỏi, mơ ước tự đi lên bằng chính đôi bàn tay của mình nên sau thời gian nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, Hoàng Vân bắt tay vào xây dựng cơ sở trồng nấm bào ngư xám. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, Hoàng Vân cho biết “Với đồng vốn ít ỏi (khoảng 100 triệu đồng) mình mạnh dạn đầu tư 70 m2 nhà trồng nấm với những cơ sở vật chất ban đầu đơn giản nhất: bao tường bằng tôn, lắp đặt hệ thống ống nước ngầm và tưới tự động để đảm bảo độ ẩm và 300 bịch nấm ban đầu. Mặc dù đã nghiên cứu nhiều sách vở, tài liệu, video trên mạng cũng như tìm hiểu kinh nghiệm trồng nấm của bà con xa gần, song những ngày đầu bắt tay vào làm vẫn còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Độ ẩm cung cấp chưa đủ khiến bịch nấm bị khô, chất lượng nấm không đảm bảo, sản lượng kém. Đối với nấm bào ngư xám, dòng nấm mà chị Vân lựa chọn để sản xuất là dòng có biên độ rất rộng về nhiệt độ và ẩm độ vì vậy đối với thời tiết ở miền Đông Nam bộ sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai mùa không cao nên đều trồng được, nhưng thời vụ thích hợp nhất là vào mùa mưa, vì lúc này độ ẩm không khí tương đối cao sẽ tiết kiệm được công tưới. Còn khi mùa khô hạn, cần phải căn chỉnh lượng tưới vất vả hơn.
Sau những khó khăn ban đầu, chị Vân lại tìm hiểu lại từng công đoạn kỹ thuật để điều chỉnh sao cho phù hợp hơn. Cho đến nay, chị thuộc nằm lòng từng khâu, từng giai đoạn trong quá trình trồng nấm. Do điều kiện còn hạn chế, chưa mở rộng được quy mô nên với 10 thiên nấm ổn định, mỗi ngày chị thu được từ 25-30 ký nấm. Sản lượng thu được đều được nhập sỉ với mức giá giao động từ 45-55 ngàn đồng/kg và hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách mua sỉ quanh vùng. Ngoài bán thành phẩm nấm, chị Vân cũng sản xuất thêm phôi nấm để bán cho những khách hàng gần xa nếu có nhu cầu. “Trong thời gian tới, mình sẽ đầu tư để mở rộng thêm diện tích cũng như số lượng nấm. Mình mong muốn sẽ tạo được thêm công ăn việc làm cho người lao động, nhất là khi dịch bệnh Covid đang khiến cho người dân gặp thêm nhiều khó khăn”, chị cho biết thêm về dự định của mình trong tương lai gần.
Cũng như chị Hoàng Vân, anh Trần Hữu Kim Trọng, (ngụ tại Khu phố 2, phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa) chọn nấm để khởi nghiệp. Nhớ lại cơ duyên đến với nghề sản xuất phôi nấm, anh Trọng cho biết, một lần tình cờ đọc báo, mình biết được, người dân sau khi trồng nấm bào ngư xong thì lấy phôi thải trồng nấm rơm, sau quá trình sản xuất nấm rơm lại lấy lấy mùn đó đi bón cây…chỉ một vòng gieo – trồng – thu hoạch mà cho ra được một quy trình sản xuất toàn có lợi, thấy hay quá nên mình bắt tay vào tìm hiểu, tìm hiểu sâu thì biết thêm trong nấm có quá nhiều chất dinh dưỡng đối với sức khỏe con người, từ đó không chỉ tìm hiểu qua sách, báo, tài liệu, mình còn cất công lên tận Củ Chi để học hỏi người dân làm nấm, tìm hiểu lâu dài thì biết thêm được nhiều loại nấm có giá trị bên cạnh những dòng nấm quen thuộc mà mình quen được thưởng thức. Càng tìm hiểu, mình càng bị mê hoặc bởi nấm, vậy là bắt tay vào làm thôi” – anh Trọng nói vui.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thị trường, anh Trọng biết được, hiện nhiều người dân cũng như cơ sở trồng có nhu cầu rất lớn về phôi nấm, đặc biệt các loại nấm thực phẩm, cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho bữa ăn gia đình, chính vì vậy anh Trọng tìm hiểu và bắt tay vào nghề sản xuất phôi nấm. Bên cạnh các dòng nấm quen thuộc trên thị trường hiện nay, anh cũng chịu khó tìm hiểu thêm nhiều giống nấm mới để đưa vào sản xuất phôi như: bào ngư, sò Thái, milky, chân dài… Sau nửa năm đi vào hoạt động, cơ sở sản xuất phôi nấm của anh trọng hiện có lượng khách tương đối ổn định, giao dịch trên hầu hết các kênh bán hàng: qua điện thoại, mua trực tiết hoặc bán online qua shopee, lazada, facebook…Trên diện tích nhà xưởng khoảng 100 m2 và nhà ủ khoảng 20 m2, hàng tháng, anh Trọng cung cấp cho thị trường khoảng 1.500 đến 2.000 phôi nấm các loại.
Anh cho biết, trồng nấm sạch tại nhà đang được nhiều người dân tại Biên Hòa cũng như nhiều khu vực khác lựa chọn, phần vì nhiều người dân mong muốn sản xuất được nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo chất dinh dưỡng tại nhà, phần vì nhiều người cũng muốn tò mò tìm hiểu về quá trình trồng nấm ra sao…Tuy nhiên, đây vẫn là mô hình sản xuất mới nên trong giai đoạn đầu, người dân chưa quen với quy trình kỹ thuật, thành ra mình phải giành nhiều thời gian để hướng dẫn cho khách hàng. Đối với các dòng sản phẩm mới, anh cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm cả về điều kiện độ ẩm, ánh sáng, chất dinh dưỡng… Trước khi giao cho khách để có hướng dẫn chính xác, cho ra sản lượng tốt nhất. Do tận dụng được nhân công và nhà xưởng của gia đình nên mức giá anh Trọng đưa ra tự tin cạnh tranh với các sản phẩm cùng dòng trên thị trường hiện có.
Thảo Quế