BÁM ĐẤT KHỞI NGHIỆP

Câu hỏi phải trồng cây gì, nuôi con gì để có thể vươn lên làm giàu luôn khiến anh Nguyễn Văn Quang (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) trăn trở. “Nhận thấy nhiều thanh niên trong xã ngày càng khấm khá với các trang trại sản xuất nông nghiệp, tôi nghĩ mình còn trẻ tại sao không học hỏi, không vươn lên như họ. Từ đó tôi đặt mục tiêu phải bám trụ với cây trồng để vươn lên thoát nghèo”, anh Quang nói. Câu chuyện bám đất khởi nghiệp làm giàu của anh Quang bắt đầu từ đó.

Theo anh Quang, mới đầu gia đình anh dành hết đất trồng bắp và đậu nhưng giá bán loại nông sản này không cao. Sau đó, anh bàn với gia đình chuyển đổi 2 ha trồng bắp sang trồng hồ tiêu. Từ đây anh tích cực đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ những vườn tiêu năng suất trong và ngoài tỉnh cũng như tham gia các lớp kỹ thuật trồng trọt. Nhờ đó, vườn tiêu của anh luôn cho năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Đến năm 2013, Anh Quang mạnh dạn tham gia và là thành viên tích cực của Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San – hợp tác xã đầu tiên ở nước ta xuất khẩu được hồ tiêu sang thị trường châu Âu. Đây là mô hình chuyển đổi từ trồng tiêu truyền thống sang trồng tiêu sạch, theo chuẩn quy trình GlobalGAP. Để cây tiêu phát triển tốt và cho năng suất cao như hiện nay, ông đã đầu tư không ít công sức và tiền bạc để cải tạo đất và môi trường. Do đặc điểm vườn tiêu của gia đình ông Quang có những vùng trũng, mưa nhiều dễ bị ngập nước. Nhưng vào nửa cuối mùa khô thường thiếu hụt nước tưới do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngầm đang dần cạn kiệt vì bị khai thác quá mức. Chính vì vậy, từ rất sớm ông Quang đã ứng dụng hệ thống tưới nước, bón phân tiết kiệm cho vườn tiêu; vừa cho đào hệ thống kênh thoát nước giữa các luống tiêu. Từ năm 2015, ông Quang bỏ một khoản chi không nhỏ để lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel cho toàn bộ vườn tiêu. Từ kết quả thử nghiệm thực tế, hệ thống tưới tiết kiệm này có những ưu điểm vừa tưới nước, vừa bón phân và các chế phẩm vi sinh dạng lỏng phòng ngừa bệnh chết nhanh, chết chậm cho cây tiêu. Anh Quang cũng là người đầu tiên áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của  Israel trong sản xuất, nhằm tiết kiệm nước, thời gian, công sức và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, việc sản xuất sạch đã giúp tăng thu nhập trung bình từ 8 – 10 triệu đồng/tấn so với sản xuất truyền thống. Hơn nữa, còn làm giảm đáng kể lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Nếu như trước đây trung bình 1 ha mất khoảng 50 triệu đồng chi phí này thì giờ đây chỉ còn khoảng 5 – 15 triệu đồng.

Kết quả hình ảnh cho hồ tiêu lâm san

Hồ tiêu được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP

So với hệ thống tưới tự động truyền thống, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel giúp tiết kiệm nước từ 30-60%; hiệu quả hấp thụ phân bón và tiết kiệm nhân công tưới đều đạt đến 90%. Điểm nổi bật, hệ thống tưới này được lập trình sẵn, người dùng có thể dùng điện thoại thông minh điều khiển hoạt động mở, tắt từ xa. “Tôi xác định muốn phát triển bền vững không còn con đường nào khác ngoài sản xuất sạch. Với đầu ra đảm bảo, bây giờ mình chỉ tập trung sản xuất mà không phải lo được mùa mất giá như trước đây”, anh Quang nói.

Hiện anh đã thành lập trang trại và mở rộng diện tích canh tác lên 4 ha, với hơn 300 cây tiêu, cho sản lượng ổn định hàng năm gần 5 tấn/ha, giá bán hiện nay khoảng 75.000 đồng – 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, mô hình của anh Quang còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 – 4 thanh niên tại địa phương, với thu nhập ổn định, vào mùa cao điểm tạo việc làm cho 15 – 20 nhân công.

Với quyết tâm bám đất làm giàu chính trên quê hương mình, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, anh Quang là một điển hình tiêu biểu của thanh niên nông thôn trong lao động sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế xã hội chung của địa phương.

Trần Văn Lưu.