9X KHỞI NGHIỆP NUÔI LƯƠN

Tốt nghiệp đại học ngành phiên dịch tiếng Hoa nhưng chàng trai Ngô Chiến Thắng (sinh năm 1996) ở ấp 1, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ lại chọn khởi nghiệp bằng nghề nuôi lươn không bùn và sản xuất cá giống. Anh Thắng là điển hình cho thế hệ trẻ chọn khởi nghiệp bằng nghề nông ngay tại vùng quê nghèo xa xôi.

Theo chia sẻ của anh Thắng, thời điểm heo rớt giá mạnh khiến gia đình anh cũng không còn mặn mà với việc nuôi heo. Là một người thích chăn nuôi nên anh Thắng luôn tìm hiểu, học hỏi để có thể chuyển đổi sang mô hình khác. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi lươn không bùn dễ chăm sóc, quản lý và có hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt có thị trường đầu ra rộng, xuất khẩu được sang thị trường Nhật, Mỹ nên mặt hàng này luôn “hút” trên thị trường, anh Thắng đã tự bỏ thời gian đi học hỏi mô hình nuôi lươn không bùn tại các tỉnh miền Tây. Sau đó, Thắng mạnh dạn dẹp bỏ nuôi heo, tận dụng chuồng heo để làm bể nuôi lươn.

Với lợi thế có nguồn nước suối tự nhiên dồi dào, nên anh Thắng đã xử lý qua ao hoặc bể lắng, tận dụng các ngăn chuồng heo bên trong lót bạt, lắp đặt hệ thống bơm, hút nước và mua 2 ngàn con lươn giống về nuôi thử, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế, lứa đầu tiên xuất bán tỷ lệ lươn sống đạt trên 70%.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi lươn không bùn, anh Thắng cho biết, muốn nuôi lươn trong bể lót bạt bắt buộc phải có những dụng cụ thủy sản sau: bút đo Ph của nước; máy đo nhiệt độ nước, máy xục khí (nếu dùng nước giếng khoan), sản phẩm xử lý nước như Iodin, vi sinh….Nguồn nước tốt nhất là nước suối đã qua ao hoặc bể lắng lọc – xử lý nhẹ. Nhiệt độ thích hợp khoảng 27-280C. Nước không chứa các khí độc như H2S, So2, NH3, Fe, Mgie…Bể nuôi thì sử dụng bể xi măng lót bạt sẽ tốn ít chi phí hơn là dùng bể gạch bông. Bể nên xây âm mặt đất từ 20 – 30cm, diện tích từ 5m2 – 20m2 trở lên. Bể nuôi lươn ở vị trí yên tĩnh. Đối với nguồn thức ăn cho lươn là cá tạp hoặc cám viên, phối trộn 2 thức ăn theo tỉ lệ 5:5 hay 7:3. Còn thức ăn tươi sống thì phải bảo đảm không ôi thiu. Lươn nhỏ ngày cho ăn 1 lần vào xế chiều, lươn to thì cho ăn 2 lần vào sáng và chiều tối với tỉ lệ thức ăn dao động từ 3-8%.

luonkhongbun1.jpg

Anh Ngô Chiến Thắng đang cho lươn ăn trùn quế

Để phòng bệnh cho lươn thì cứ 1 ngày/lần đối với lươn nhỏ và 2 ngày/lần đối với lươn lớn phải thay toàn bộ nước trong bể và định kì xử lý nước bằng chế phẩm sinh học hay các sản phẩm có thương hiệu như Anova, Eff.bio…. Đặc biệt, định kỳ 2 tuần trộn tỏi xay nhuyễn vào thức ăn cho lươn và cho ăn 5 ngày liên tục sẽ có hiệu quả phòng bệnh tốt. Hỗn hợp thức ăn trộn tỏi gồm: chế phẩm sinh học, 10 kg tỏi, 16 lít nước sạch, 3kg mật thủy đường và 1 lít giấm ăn trộn đều, ủ kín trong vòng 20 ngày là sử dụng được. Ngoài ra, cứ 1 tháng tiến hành xổ giun 3 ngày liên tục cho lươn. Đồng thời định kỳ 1 tháng cho lươn ăn trùn quế để phòng bệnh.

Nhờ áp dụng những phương pháp này mà lươn nuôi của Thắng không cần sử dụng bất kể loại kháng sinh nào, lươn vẫn khỏe mạnh.

Anh Thắng cũng cho biết, diện tích bể thích hợp nhất để nuôi lươn là tầm 5 – 10m2, mật độ thả lươn thích hợp là 300con/m2, thả giống cỡ 200con/kg, sau 8-10 tháng nuôi sẽ đạt 300kg thương phẩm.

Theo anh Thắng, việc nuôi lươn khó nhất là cho ăn thức ăn đúng liều lượng bởi nếu dư sẽ làm bẩn nước khiến lươn dễ bị bệnh. Kinh nghiệm chọn lươn giống là mình lươn vàng, bóng, đầu bằng với mình.

Hiện tại, anh Thắng có 10 bể nuôi lươn, mỗi đợt thả khoảng 1.500 con lươn, nuôi từ 6-12 tháng cho thu hoạch toàn bộ, sau khi trừ chi phí, mỗi bể có lãi từ 8-10 triệu đồng. Nuôi lươn rất ít tốn công sức và thời gian, mỗi ngày chỉ dành ra khoảng 2 tiếng đồng hồ là được. Chính vì thế, bên cạnh việc nuôi lươn, anh Thắng còn có 5000m2 nuôi cá giống, cá thịt. Toàn bộ mô hình này cho anh Thắng thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm sau khi trừ toàn bộ chi phí.

Hiện, anh Thắng đang thử nghiệm sản xuất lươn giống để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của mình và cung cấp cho thị trường.

Mạnh dạn dẹp bỏ nuôi heo khi giá heo xuống thấp, lấy chuồng heo để làm bể nuôi lươn không bùn, mô hình khởi nghiệp này của chàng trai trẻ Ngô Chiến Thắng được bạn trẻ các nơi đến học hỏi kinh nghiệm.

Anh Thắng cho hay: không ngại thử nghiệm cái mới , khởi nghiệp bằng nghề nông khá vất vả và cũng không quá dễ dàng thành công. Nhưng nếu luôn giữ được tinh thần không ngại học và ứng dụng cái mới, biết đầu tư đúng cách thì sẽ nắm được cơ hội làm giàu ngay tại những vùng quê nghèo.

Phan Ngọc Xuân Duy.