8X KHỞI NGHIỆP VỚI NGHỀ “NUÔI TẰM ĂN CƠM ĐỨNG”

Không quản ngại khó khăn với nghề “nuôi tằm ăn cơm đứng”, cách đây 6 năm, anh Đặng Văn Cần, sinh năm 1985 ở ấp 1 xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ đã quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng dâu nuôi tằm.

Nghề nuôi tằm rất cực đúng như câu tục ngữ “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Sáng ra người nuôi tằm phải dậy sớm cắt lá dâu, mưa hay nắng cũng phải cắt vì con tằm chỉ ăn lá dâu tươi mà thôi. Nhiều người kỹ hơn còn phơi cho lá dâu ráo nước, cắt nhỏ ra để rải cho đều, tằm dễ ăn… Khi tằm chuẩn bị làm kén phải để một khung gỗ chia thành các ô nhỏ để tằm leo lên làm kén, thỉnh thoảng phải kiểm tra để nhặt những con tằm bị rớt ra cho lại vào khung.
Theo anh Cần, nuôi tằm thì mùa nào cũng nuôi được. Trong nuôi tằm, quan trọng nhất là chọn được con giống khỏe và áp dụng đúng kỹ thuật nuôi. Là thành viên của Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm của xã nên anh Cần  có điều kiện chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm nuôi tằm từ những thành viên trong Tổ hợp tác. Ngoài ra, canh Cần còn tích cực tìm hiểu về kỹ thuật nuôi tằm trên sách, báo, internet.
Anh Cần chia sẻ, con giống khỏe là giống đều, da sáng, bóng. Kỹ thuật nuôi để tằm đạt chất lượng cao là rải tằm thưa thì tằm sẽ to và thỉnh thoảng thay phân để tằm khỏe, ít bị bệnh. Tốt nhất là thay phân cho tằm 3 lần: trước khi tằm ngủ thay phân lần 1, khi tằm ăn rỗi  khoảng 2 ngày thì thay phân lần 2 và đến khi cho tằm lên né sẽ thay phân lần 3. Khi đưa tằm về, sau 3 ngày tằm sẽ ngủ khoảng 1 ngày. Để tằm to đều thì đợi tằm dậy hết mới cho ăn. Mỗi ngày cho tằm ăn 4 bữa lá dâu, ngoài ra, để tằm khỏe thì nên cho tằm ăn thêm thuốc bổ và thuốc phòng bệnh.
Chuồng trại nuôi tằm cũng rất quan trọng. Theo anh Cần, chuồng nuôi tằm cần phải làm cao, thoáng mát để tránh hơi phân làm sốc tằm khiến tằm dễ bị bệnh. Mỗi lứa tằm nuôi trong vòng 14-15 ngày, trong đó lấy tằm giống về nuôi khoảng 9-10 ngày thì cho tằm lên né và 4 ngày xong tằm sẽ quấn kén xong.
anhcan2.jpg
Anh Cần giới thiệu mô hình trồng dâu nuôi tằm của mình
Theo chia sẻ của anh Cần, sau khi nuôi tằm con trên nong theo cách thông thường, đến giai đoạn tằm chín, thay vì bắt lên né tre thì tằm được lên né gỗ. Dùng né gỗ sẽ tránh bị trường hợp kén đôi như sử dụng né tre. Bởi sau khi rải tằm lên né, nhiều con tằm vẫn tập trung vào một vị trí nên nếu chỗ nào nhiều tằm tập trung thì né sẽ xoay xuống dưới. Theo phản xạ tự nhiên, con tằm nào chưa tìm được chỗ để kết kén sẽ bò lên chỗ cao hơn để làm tổ. Nhờ đó người nuôi đỡ mất công bắt tằm kết kén đôi. Đối với né gỗ, mỗi né đều được phân ô rõ ràng, nên mỗi con tằm chỉ ở trong ô riêng. Hơn nữa, mỗi ô được thiết kế vừa với kích thước của kén tằm nên lượng phân và nước tiểu đều được thải khỏi né. Chính vì vậy, chất lượng kén tằm cao hơn hẳn, tằm “lên tơ” đều và trắng.
Khi thu hoạch kén, người nuôi tằm chỉ việc bỏ né gỗ vào máy dập kén. Việc sử dụng máy dập kén vừa đỡ tốn công lao động, chất lượng kén lại cao, nên giá bán chênh lệch cao hơn so với kén trên né tre. Do đó, lợi nhuận cũng tăng cao hơn nhiều.
Anh Cần cho biết, hiện nay, với hơn 1 mẫu dâu, anh có thể nuôi được 2 hộp tằm/lứa. Mỗi lứa, nếu nuôi tốt có thể thu được khoảng 120kg kén. Với giá kén hiện tại, sau khi trừ mọi chi phí giống, thuốc, phân bón và công lao động…mỗi lứa, anh Cần thu về hơn 8 triệu đồng. Một tháng, nuôi 2 lứa, cho thu nhập khoảng 16 triệu đồng.
Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tằm đã giúp cho gia đình anh Cần có thu nhập một năm gần 200 triệu đồng.
Trần Văn Lưu.