Sinh ra tại thành phố du lịch Vũng Tàu, chọn học ngành y nhưng vì mê cả ngành sinh học nên cô gái Lê Thị Hương quyết định học thêm văn bằng 2 ngành công nghệ sinh học và khởi nghiệp với nghề trồng nấm dược liệu tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai.
Ngay khi còn đang là sinh viên năm 3 Khoa Y dược và năm cuối ngành Công nghệ sinh học, đại học Công nghệ, TP. HCM, Lê Thị Hương đã dũng cảm mượn đất của người bà con tại huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) đầu tư trồng nấm dược liệu.
Năm 2014, Công ty TNHH một thành viên nấm Phương Quang ra đời từ mong muốn xây dựng được thương hiệu cho nấm linh chi Việt của cô gái trẻ này. Các sản phẩm được sản xuất theo công nghệ cao với nhiều dòng nấm quý, hiếm như: vân chi, linh chi hồng, linh chi đỏ… Doanh nghiệp cũng đầu tư hệ thống đồng bộ từ phòng thí nghiệm hiện đại đến máy móc chế ra sản phẩm từ nấm dược liệu. Trên diện tích 1 hécta đất, Hương đã đầu tư đồng bộ từ hệ thống phòng thí nghiệm, máy móc để sản xuất giống đến mô hình nhà lưới trồng nấm theo công nghệ hiện đại. Cô cũng nhập các giống nấm xuất xứ từ Mỹ, Nhật Bản…về nhân giống, trồng thử nghiệm để chọn lọc những giống cho hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp nhất với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Đồng Nai. Mục tiêu phát triển chính của công ty là dòng nấm dược liệu. Hiện công ty đã có hàng chục giống nấm các loại, trong đó có các loại nấm khá phổ biến trên thị trường, như: nấm linh chi đỏ, linh chi hồng, nấm vân chi… và đang tiếp tục thử nghiệm những giống nấm dược liệu quý hiếm khác.
Để làm ra sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp, cô gái trẻ này tổ chức nuôi trồng các loại nấm theo quy trình khép kín, tận dụng nguồn phế thải từ trồng nấm linh chi làm nguyên liệu bịch phôi để sản xuất các loại nấm ăn, như: nấm rơm, nấm bào ngư. Chất phế thải cuối cùng trong chu trình trồng nấm được chế biến thành phân sinh học cung cấp cho nông dân địa phương.
Trại nấm Phương Quang được sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại
(nguồn FB namPhuongquang)
Chia sẻ về một số khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, chị Phương cho biết: khó nhất vẫn là giải quyết bài toán thị trường, xây dựng được thương hiệu và tìm được chỗ đứng trên thị trường. Đây là điều không dễ vì thị trường bây giờ luôn luôn thay đổi, đòi hỏi của khách hàng cũng ngày càng cao hơn. Người tiêu dùng Việt Nam thường chuộng nấm linh nhập khẩu, nhất là linh chi mọc tự nhiên vì nghĩ rằng loại đó chứa những thành phần dược liệu quý, nấm càng đắng càng tốt.
Để tăng thêm giá trị cho nấm linh chi do Việt Nam sản xuất, trong thời gian tới, Hương dự định sẽ phát triển dòng sản phẩm thực phẩm chức năng từ nấm linh chi, với công dụng giúp tăng sức đề cho mọi người, đặc biệt là trẻ em. Hiện nay Phương Quang đang là nhà cung cấp nấm nguyên liệu cho các nhà thuốc Đông y, cho doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến trà thảo dược, thị trường phân phối khắp các tỉnh, thành tại Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, TP. Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội…..
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và luôn tìm tòi học hỏi, chị Lê Thị Hương đã phát triển thành công mô hình sản xuất kinh doanh có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng, có giá trị kinh tế cao, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nâng tầm giá trị sản phẩm nấm dược liệu của người Việt Nam. Đây là mô hình khởi nghiệp hay và ý nghĩa để các bạn trẻ học hỏi kinh nghiệm.
Phan Ngọc Xuân Duy.