Hoa cài áo handmade của cơ sở hoa đất Thỏ yuki trở thành món quà thân thuộc cho chị em phụ nữ vào những ngày lễ kỷ niệm cho bà cho mẹ, cho phụ nữ trong năm tại thành phố Biên Hòa. Làm hoa cài áo sáng tạo là công việc yêu thích của cô giáo dạy mỹ thuật Nguyễn Phạm Thúy Hạnh, giáo viên Trường THCS Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) sau giờ lên lớp. Đến nay, cơ sở Yuki đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều chị em trên địa bàn thành phố.
Gặp Thúy Hạnh tại nhà (ở phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) và cũng là nơi sáng tạo những đóa hoa cài áo nhỏ xinh, dễ thương đầy sắc màu của cô giáo sau giờ lên lớp. Đúng vào dịp lễ 8/3, khi đơn hàng của Hạnh dày đặc, vừa phải tranh thủ soạn bài cho giờ lên lớp, vừa cấp tốc cho các đơn hàng kịp cho chị em ngày lễ. Hạnh nói “chỉ có đam mê khiến cho mình siêng năng và chịu khó hơn, thức đêm để làm vẫn thích”. Bén duyên với công việc này hơn 2 năm, Hạnh vẫn giữ cho mình đam mê được như ngày đầu, mặc dù công việc có lúc khó khăn, nguyên liệu nhập trễ phải đi cáo lỗi với khách hàng. Ngoài ra, những ngày đầu, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, cũng mất thời gian và tốn kém nhưng vẫn phải cố gắng nhiều. Ban ngày cô dành trọn cho việc dạy môn Mỹ thuật trên trường. Đêm về cô mới tranh thủ thiết kế, tạo mẫu và hoàn thành sản phẩm để giao cho khách hàng. Làm hoa cài áo handmade bên cạnh dành nhiều thời gian thì đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ từng chi tiết.
Xem những đóa hoa Thúy Hạnh vừa làm xong, chúng tôi thực sự ngưỡng mộ trước những sáng tạo của cô. Hoa cài áo do cô Thúy Hạnh làm có nhiều kích cỡ và kiểu dáng khác nhau vì thế mà giá thành cũng tùy thuộc vào từng sản phẩm. Đối với các mẫu thông thường có giá từ 50-150 ngàn đồng/sản phẩm. Với những mẫu mã thiết kế đòi hỏi nhiều thời gian và công sức tìm nguyên vật liệu, có giá từ 200-300 ngàn đồng/sản phẩm. Thương hiệu hoa cài áo Thỏ Yuki của cô được đông đảo giáo viên, học sinh yêu trong và ngoài tỉnh yêu thích, cũng như được cộng đồng handmade đánh giá cao về chất lượng và tính sáng tạo. Thúy Hạnh cho rằng, làm hoa cài áo handmade giúp cô theo đuổi đam mê, thỏa sức sáng tạo. Để tạo sự khác biệt và tránh lối sao chép máy móc theo mẫu trên mạng xã hội, cô thường chỉ làm một sản phẩm trên một mẫu sáng tạo. Ngay cả với những mẫu khách đưa, sau khi xem kỹ, cô cũng làm bằng những thu nạp và hình dung lại trong đầu cùng cảm xúc về hình ảnh ấy chứ không phải để mẫu trước mặt rồi vừa quan sát vừa làm theo.
Sản phẩm đa dạng về mẫu mã, màu sắc
Để mở rộng kênh phân phối sản phẩm của mình, hạnh giành thời gian chăm chút cho hình ảnh, đăng thông tin sản phẩm mới lên các kênh online, nhận đơn qua điện thoại, face book và cô cũng tham gai các gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại ngày hội khởi nghiệp, tham gia chương trình phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động và học tập, tham gia tặng quà cho khán giả tham gia các chương trình truyền hình online của Đài Phát thanh và truyền hình Đồng Nai. Đến nay, Thúy Hạnh vẫn tiếp tục nuôi dưỡng đam mê của mình bằng cách tích cực học hỏi, sáng tạo và cho ra đời những sản phẩm mới phục vụ khách hàng gần xa.
Diệu Linh