Anh Nguyễn Văn Thành ở ấp Bảo Thị, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc là một người nông dân cần cù, chăm chỉ, có tinh thần học hỏi cao. Năm 2002, hưởng ứng cuộc vận động của ngành khuyến nông về việc chuyển đổi vật nuôi cây trồng, chọn mô hình sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Anh đã quyết định chọn cây sầu riêng làm giống cây trồng chủ lực. Thời gian đầu, ngoài việc tìm hiểu kỹ thuật trên sách báo, tạp chí, anh còn đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, dần dần anh đã có được rất nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc sầu riêng.
Sau khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng, anh đã mạnh dạn xuống hơn 200 gốc sầu riêng gồm Ri.6 và Moong thong trong mảnh vườn 1,5 ha của mình. Cùng với việc sử dụng giống cây trồng có chất lượng cao, anh đã áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt, đây cũng là một trong những việc làm sáng tạo của anh, giúp cây luôn đủ độ ẩm để phát triển tốt và giảm được số công lao động trong quá trình tưới tiêu. Ngoài ra, anh còn ưu tiên sử dụng các sản phẩm được sản xuất trong nước như: thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón vô cơ… đã được nhà nước cho phép sử dụng. Nhờ chăm chỉ, tự mày mò học hỏi qua sách báo và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về quy trình sử dụng phân, thuốc và cách xử lý cho cây ra hoa theo muốn. Tính đến nay vườn sầu riêng của anh Nguyễn Văn Thành đã tạo ra được những trái sầu riêng đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân mỗi cây cho từ 70 – 90 trái.
Khi hỏi về kinh nghiệm trồng cây sầu riêng, anh cho biết, muốn sầu riêng đạt năng suất cao, bên cạnh việc sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, cần tăng cường phân hữu cơ, giữ ẩm cho gốc cây. Bên cạnh đó, để cây sầu riêng mau lại sức sau một mùa nuôi dưỡng trái, cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã được hấp thu, tiêu thụ hết trong quá trình nuôi dưỡng trái. Theo đó, tùy theo giai đoạn phát triển của cây mà có cách bón phân phù hợp. Hàng năm, để bổ sung nguồn hữu cơ cho cây, anh thường bón 10-15 kg phân hữu cơ vi sinh Komix USM/cây, 8kg phân hóa học/cây. Các loại phân chuyên dùng cho cây ăn trái chia làm 4 lần bón trong một năm, bổ sung thêm Komix khoáng. Giai đoạn quả non đến 1 tháng trước khi thu hoạch, phun 2 đợt phân bón lá super ZinC-K giúp quả đẹp hơn và múi to, cơm dày, tăng độ ngọt.
Ngoài ra, anh còn rải lân vôi xung quanh vườn 1 lần/năm vào đầu mùa mưa để hạn chế nấm bệnh và tăng pH cho vườn cây, hỗ trợ cây hấp thu phân khoáng tốt hơn. Dọn, cắt tỉa cành trước khi cây ra hoa và sau khi thu hoạch phải dọn cành, rửa cây để cây phát triển tốt.
Anh Nguyễn Văn Thành khi chăm sóc cây sầu riêng, anh để ý từng li từng tí, khi nào là giai đoạn cây cần nước, khi nào cần giữ ẩm cho cây và biết cách xử lý để cây ra hoa theo ý muốn, bón phân đúng thời kỳ, phun xịt thuốc đúng liều lượng và vào thời điểm phù hợp.
Anh tâm sự: “Để quả to đều, đạt tiêu chuẩn cao thì tùy theo sinh trưởng của cây sầu riêng anh có thể hãm trái. Thông thường anh chỉ để 80 -100 quả/cây, tương đương 200-250 kg/cây. Trong một năm cây sầu riêng có rất nhiều đợt hoa nở chênh lệch nhau từ 15-20 ngày, anh ưu tiên lấy đợt hoa đầu tiên. Trong quá trình nuôi quả, anh thường xuyên tỉa bỏ những quả mọc dày, méo, sâu bệnh và tỉa bỏ những đợt hoa ra sau, nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho trái phát triển tốt. Để phòng trừ sâu bệnh, phải thường xuyên theo dõi vườn và phát hiện kịp thời. Đặc biệt, thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao, cây sầu riêng thường bị các loại nấm bệnh tấn công gây nứt thân, xì mủ, khô cành, lở cổ rễ…, nên cần phải phun phòng các loại thuốc trừ nấm 3 lần/năm vào đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và cuối mùa mưa”.
Anh còn chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo của mình về thu hoạch quả: Theo dõi bằng sổ nhật ký ghi chép thời gian xả nhị đến khi quả được 125-135 ngày (đối với sầu riêng Monthong), 105-115 (ngày đối với sầu riêng Ri.6) thì thu hoạch, nên thu hoạch trước khi quả chín từ 5-7 ngày, tránh tình trạng thu hoạch quá sớm, hay quá muộn (đặc biệt không để quả tự rụng xuống đất) sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Dựa vào hình thái bên ngoài sự nở gai của quả, khi quả chín gai trên múi sầu riêng nở và rãnh quả sâu hơn. Dựa vào âm thanh khi gõ quả. Anh nói: “Tuyệt đối ta không nên thu hoạch quả non làm giảm chất lượng của quả và mất uy tín của nhà vườn”.
Anh Thành còn chia sẻ thêm, hiện nay đầu ra cho sầu riêng khá ổn định, nhờ trái sầu riêng có chất lượng tốt cơm vàng, ngọt, dẻo, béo,… thời gian gần đây nhiều thương lái đã đến gia đình anh đặt mua sầu riêng lâu dài với giá thành cao mà gia đình anh không phải tốn công cắt và vận chuyển đi bán.
Ngoài ra, anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân có nhu cầu trồng sầu riêng. Và đặc biệt rất nhiệt tình cung cấp thông tin để tôi thực hiện tốt buổi trao đổi giới thiệu sản phẩm truyền thông Khoa học – Công nghệ Đồng Nai 2020 này.
Ngoài việc ứng dụng tốt khoa học công nghệ về chăm sóc cây sầu riêng, anh còn chăm sóc cây kiểng, những chậu lan rất thành công, cây nào cũng xanh tốt và cho nhiều hoa đẹp.
Hải Yến