Nhờ áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp đã tiết kiệm 9 – 32% năng lượng tiêu thụ, tương đương với việc giảm được 9 – 32% chi phí nhiên liệu sử dụng. Kết quả, các doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn đã tiết kiệm được tổng sản lượng điện hơn 2,8 triệu kWh/năm, 312.000 tấn dầu/năm và hàng trăm tấn gas. Đặc biệt, áp dụng các quy trình sản xuất sạch hơn đã giảm 2.800 tấn CO2 phát thải ra môi trường. Những kết quả đó góp phần bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần coi đây là yếu quan trọng tạo nền tảng để khởi nghiệp khi muốn hướng đến phát triển bền vững.
Những sản phẩm mang nhãn hiệu “sạch” và “thân thiện với môi trường” luôn được khách hàng tin dùng bất kể trong ngành sản xuất nào. Giải pháp về sản xuất sạch hơn không chỉ rút ngắn thời đoạn giới thiệu sản phẩm đến khi sản phẩm có chỗ đứng ổn định trên thị trường mà còn kéo thời đoạn này nhờ tái chế và tái sử dụng. Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tại Đồng Nai, chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được thực hiện từ năm 2010 với rất nhiều hoạt động thiết thực. Cho đến nay, nhờ áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, các doanh nghiệp đã nâng cao được hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu, góp phần bảo vệ môi trường.
Thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn, Sở Công Thương đã giúp các doanh nghiệp khảo sát, đánh giá các quy trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh để xác định những tổn thất về nguyên, nhiên liệu trong các khâu sản xuất. Căn cứ vào kết quả khảo sát này, doanh nghiệp sẽ chủ động đưa ra giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện. Riêng trong năm 2018, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai tiếp tục phối hợp với 5 doanh nghiệp khảo sát, đánh giá từng khâu, công đoạn trong quá trình sản xuất của từng doanh nghiệp, trên cơ sở đó sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ sản xuất sạch hơn. Theo đó, nhiều doanh nghiệp sau khi được huấn luyện và hỗ trợ đã chủ động phối hợp với Sở Công Thương xây dựng kế hoạch hành động với những việc làm thiết thực như cải tiến máy móc thiết bị, thay thế các máy móc, thiết bị lạc hậu bằng những dây chuyền sản xuất tiên tiến hiện đại, tiết kiệm nguyên nhiên liệu để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ việc thực hiện chương trình, trên địa bàn tỉnh đã nhiều doanh nghiệp áp dụng và xây dựng được quy trình sản xuất sạch hơn như: Nhà máy Hóa chất Tân Bình 2, Công ty CP Thép Biên Hòa (Vicasa), Công ty CP Điện cơ Đồng Nai, Công ty TNHH Nam Long, Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai, Nhà máy Super Phốt Phát Long Thành…
Từ lợi ích về kinh tế và môi trường đã được chứng minh trong thực tế, đến nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai quan tâm và áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn tại cơ sở mình. Một trong số đó là Công ty TNHH Nam Long (xã Long An, huyện Long Thành) chuyên về sản xuất găng tay cao su. Để thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn, từ năm 2014, Công ty TNHH Nam Long đã quyết định đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng cho hệ thống lò hơi mới sử dụng dầu FO, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại tiết kiệm cho công ty trên 200 triệu đồng mỗi tháng, tổng sản lượng công ty hằng năm gia tăng từ 10 – 12%. Hay tại Công ty cổ phần An Phú Thịnh (huyện Long Thành), đơn vị chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng bảo hộ lao động. Hàng năm, Ban lãnh đạo công ty đều tham gia các lớp tập huấn về cải tiến công nghệ, ứng dụng quy trình quản lý sản xuất tiên tiến hiện đại, đưa vào sử dụng nguyên tắc sản xuất 5S.
Nhà máy Hóa chất Tân Bình 2 được thành lập từ năm 2009 trên cơ sở tách một phần từ Nhà máy hóa chất Biên Hòa (KCN Biên Hòa 1). Trước đây, nhà máy này thải bỏ nguồn nhiệt thừa phát sinh trong quá trình sản xuất hóa chất thì sau khi được Sở Công Thương hỗ trợ đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn thì đã thu hội lại nguồn nhiệt phát sinh và cung cấp nhiệt cho các nhà máy xung quanh, việc này đã làm cho doanh nghiệp tăng nguồn lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng/năm qua việc bán nhiệt thừa này, điều này không chỉ tăng lợi ích, giảm chi phí cho nhà máy trong quá trình sản xuất mà có lợi rất lớn trong việc bảo vệ môi trường khi giảm được một lượng lớn khí thải.
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019. Với mục đích tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng rộng rãi các giải pháp sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên- nhiên vật liệu, giảm thiểu yếu tố gây hại môi trường trong quá trình sản xuất. Theo đó kế hoạch tập trung vào thực hiện các nội dung chính bao gồm: Tuyên truyền phổ biến lợi ích của áp dụng sản xuất sạch hơn đến các cơ sở sản xuất công nghiệp; tiến hành khảo sát, đánh giá tình hinh sản xuất thực tế của doanh nghiệp qua đó tìm ra nguyên nhân làm thất thoát nguyên, nhiên liệu và năng lượng để đề xuất giải pháp sản xuất sạch hơn; Tổ chức thực hiện các lớp tập huấn nâng cao năng lực về sản xuất sạch hơn cho nhân viên phụ trách lĩnh vực này tại cơ sở sản xuất, dự kiến sẽ tổ chức 2 lớp tập huấn/năm; Hỗ trợ kỹ thuật và áp dụng sản xuất sạch hơn tại cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiêu thụ nhiều năng lượng và nguyên liệu trong quá trình sản xuất thông qua việc hỗ trợ lập báo cáo đánh giá nhanh về sản xuất sạch hơn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật, giải pháp thực hiện sản xuất sạch hơn trong doanh nghiệp.
Dự kiến kinh phí cho việc thực hiện kế hoạch thực hiện nhiệm vụ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 955.651.000 đồng được lấy từ kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2019.
Diệu Linh