Mạnh dạn khởi nghiệp với con Dúi

Tìm hiểu và nhận thấy Dúi là đối tượng dễ nuôi, quy trình kỹ thuật không quá phức tạp, tỷ lệ nuôi thành công cao, được sự  ủng hộ của gia đình và địa phương, anh Huỳnh Công Phú ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch đã quyết định khởi nghiệp với con Dúi.

Dúi được nuôi trong mô hình

Tháng 6/2020, anh Phú đã mạnh dạn cải tạo lại chuồng gà trước đây của gia đình, tận dụng gạch lát cũ để thiết kế và xây 2 chuồng dúi với diện tích hơn 50m2. “Với diện tích này, mỗi chuồng có sức chứa hơn 100 con Dúi. Tuy nhiên, do nguồn vốn của bản thân còn ít nên tôi chỉ mua 40 con giống về gây nuôi” – anh Phú cho hay.

Anh Phú cho biết thêm, thịt Dúi thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng nên rất được ưa chuộng. Dúi trong tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt, nên hiện nay Dúi không đủ cung cấp cho thị trường. Mấy năm trở lại đây, một số hộ dân ở các tỉnh đã thuần hóa nuôi dưỡng thành công loài Dúi, hứa hẹn mô hình phát triển kinh tế mang lại lợi nhuận cao. Không những thế, Dúi là loại động vật có phổ thích nghi rộng, thức ăn chủ yếu là tre và mía nên rất dễ kiếm và mỗi ngày chỉ cho ăn 1 lần vào chiều tối. Theo kinh nghiệm, không nên cho dúi ăn quá nhiều khiến con vật tích lũy quá nhiều mỡ vì một con dúi trưởng thành mỗi ngày chỉ cần cho ăn 1 mẩu mía, 1 mẩu tre là được, dó đó chi phí thức ăn thấp, ước tính mỗi Dúi chi phí vào khoảng 10.000 đồng/tháng. Trong khi đó, nếu nuôi thành công, trọng lượng Dúi trung bình 1,5 đến 1,7kg/con, tối đa có thể đạt 3kg/con. Với giá bán Dúi thương phẩm ra thị trường hiện nay khoảng 600 –  700 ngàn đồng/kg thì mỗi con Dúi có thể thu được khoảng từ 1 – 2 triệu đồng.

Đặc biệt, nghề nuôi Dúi vừa giúp người nông dân phát triển kinh tế mà không phải phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên, thời tiết vừa khắc phục được tình trạng khai thác và tận diệt nguồn thú hoang dã trong tự nhiên, góp phần bảo vệ được sự cân bằng về sinh thái.

Đến nay, 40 con Dúi phát triển tốt, đạt trọng lượng khoảng gần 1kg/con. Giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn do mới nuôi nên cần vừa nuôi vừa thử nghiệm, quan sát sự thích ứng của Dúi với môi trường tại địa phương cũng như quy trình sinh sản của Dúi.

Chuồng nui Dúi của anh Huỳnh Công Phú

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi Dúi, anh Phú cho hay, chuồng nuôi Dúi thiết kế đơn giản, có thể xây hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50 cm và dài 50 cm. Chuồng phải kín gió, nên bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào và cần tránh việc để dúi ăn thức ăn đã hỏng, khi đó dúi mới phát triển khỏe mạnh. Mặc dù dúi có sức đề kháng tốt, hầu như không xảy ra dịch bệnh bao giờ nhưng anh Phú vẫn thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo nơi ở của dúi luôn sạch sẽ, thoáng mát…Anh Phú còn đầu tư cả quạt phun sương để tạo sự thoáng mát cho chuồng nuôi bởi nhiệt độ thích hợp nhất để Dúi trưởng thành và phát triển là từ 20-300C. Các chất thải từ phân Dúi rất sạch, không có mùi hôi, không làm ô nhiễm môi trường và có thể làm phân bón hữu cơ để trồng cây.

Khó khăn hiện nay của anh Phú là nguồn vốn để mua thêm giống và mở rộng chuồng trại. Anh Phú cho biết thời gian tới anh sẽ mở rộng mô hình, liên kết và chuyển giao kỹ thuật với những thanh niên, nông dân có nhu cầu nuôi để phát triển thành lập Hợp tác xã nuôi Dúi trên địa bàn, đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, cung cấp con giống và bao tiêu đầu ra cho người dân.

P.Hương