Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên nông thôn ngày càng trở nên sôi nổi. Mỗi người chọn cho mình một lối đi riêng, trong đó, nhiều bạn trẻ đã thành công với các mô hình chăn nuôi.
* Khởi nghiệp từ nuôi dê
Luôn ấp ủ mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, với số vốn 30 triệu đồng trong tay, qua tìm hiểu thực tế ở địa phương và nhu cầu thị trường, anh Lu Nhật Đồng, sinh năm 1983 ở xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ đã lựa chọn khởi nghiệp bằng mô hình nuôi dê cho thu nhập gần 200 triệu mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Anh Đồng chia sẻ: “Ban đầu nuôi dê, do không nắm được kỹ thuật nuôi, nhất là cách chọn dê cái nên đàn dê phát triển không tốt. Sau đó, mình đã chủ động tìm hiểu trên mạng internet, trên sách, báo và trực tiếp đăng ký tham gia các đợt tham quan mô hình nuôi dê ở các địa phương do Hội Nông dân địa phương tổ chức nên dần dần có thêm kinh nghiệm chăn nuôi”.
Theo anh Đồng, trước đây, bà con thường sử dụng máng gỗ cho dê ăn. Dê ăn xong thường chảy nước dãi ra máng và tiểu ra máng, đây chính là nguồn lây bệnh cho dê. Để khắc phục tình trạng này, anh Đồng đã nảy ra sáng kiến thay thế máng gỗ bằng máng tôn, vừa nhẹ, vừa dễ dàng vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó để phòng bệnh cho dê, anh Đồng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, làm chuồng thông thoáng, định kỳ mỗi tháng 1 lần rắc vôi bột vào chuồng nuôi.
Về thức ăn cho dê, ngoài nguồn thức ăn chính là lá cây, cỏ, anh Đồng đã tận dụng phế phẩm vỏ đậu nành trộn với bắp và cám cho dê ăn. Anh Đồng cho biết, anh cho dê ăn theo tỷ lệ 70% lá, cỏ và 30% cám trộn phụ phẩm. Mỗi ngày cho dê ăn 3 lần (2 lần ăn lá và 1 lần ăn cám trộn phụ phẩm). Vì thế, dê của anh thường béo và nhiều thịt hơn so với các hộ nuôi dê khác chỉ hoàn toàn cho dê ăn lá. Trong vòng 6 tháng, dê của anh Đồng đạt trọng lượng 40kg, xuất chuồng được khoảng 4 triệu đồng/con. Vì chất lượng dê tốt nên thương lái thường tìm đến tận nhà để mua và giá bán ra thị trường cũng cao hơn.
Không những thế, để tránh tình trạng dê húc nhau, anh Đồng còn sử dụng vỏ lốp xe cũ treo lên để dê vui chơi thoải mái. Anh Đồng còn tự trồng 1,5 mẫu cỏ để lấy thức ăn cho dê. Vì là công chức tư pháp của xã, nên ngoài giờ hành chính, anh Đồng mới có thời gian chăm sóc dê. Vào ngày cuối tuần được nghỉ làm, anh đi khắp nới để tìm nguồn vỏ đậu nành tốt, đảm bảo chất lượng làm thức ăn bổ sung cho dê.
Từ 4 con dê ban đầu, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, đến nay, mô hình nuôi dê của anh Đồng đã lên đến 240 con.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Đồng còn giúp đỡ được 8 thanh niên chậm tiến ở địa phương bằng cách hỗ trợ kỹ thuật và đứng ra bảo lãnh để cho các thanh niên này nuôi dê. Đặc biệt, anh Đồng còn tập hợp các thanh niên nuôi dê để thành lập Câu lạc bộ chăn nuôi dê của xã nhằm cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm để chăn nuôi dê hiệu quả. Hiện nay, anh Đồng đang là chủ nhiệm Câu lạc bộ với 22 thành viên.
* Thành công với con tằm
Cách đây 6 năm, anh Đặng Văn Cần, sinh năm 1985 ở ấp 1 xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ đã quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng dâu nuôi tằm. Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tằm đã giúp cho gia đình anh Cần có thu nhập một năm gần 200 triệu đồng.
Theo anh Cần, nuôi tằm thì mùa nào cũng nuôi được. Trong nuôi tằm, quan trọng nhất là chọn được con giống khỏe và áp dụng đúng kỹ thuật nuôi. Là thành viên của Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm của xã nên anh Cần có điều kiện chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm nuôi tằm từ những thành viên trong Tổ hợp tác. Ngoài ra, canh Cần còn tích cực tìm hiểu về kỹ thuật nuôi tằm trên sách, báo, internet.
Anh Cần chia sẻ, con giống khỏe là giống đều, da sáng, bóng. Kỹ thuật nuôi để tằm đạt chất lượng cao là rải tằm thưa thì tằm sẽ to và thỉnh thoảng thay phân để tằm khỏe, ít bị bệnh. Tốt nhất là thay phân cho tằm 3 lần: trước khi tằm ngủ thay phân lần 1, khi tằm ăn rỗi khoảng 2 ngày thì thay phân lần 2 và đến khi cho tằm lên né sẽ thay phân lần 3. Khi đưa tằm về, sau 3 ngày tằm sẽ ngủ khoảng 1 ngày. Để tằm to đều thì đợi tằm dậy hết mới cho ăn. Mỗi ngày cho tằm ăn 4 bữa lá dâu, ngoài ra, để tằm khỏe thì nên cho tằm ăn thêm thuốc bổ và thuốc phòng bệnh.
Chuồng trại nuôi tằm cũng rất quan trọng. Theo anh Cần, chuồng nuôi tằm cần phải làm cao, thoáng mát để tránh hơi phân làm sốc tằm khiến tằm dễ bị bệnh. Mỗi lứa tằm nuôi trong vòng 14-15 ngày, trong đó lấy tằm giống về nuôi khoảng 9-10 ngày thì cho tằm lên né và 4 ngày xong tằm sẽ quấn kén xong.
“Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào nuôi tằm với phương pháp “né gỗ và máy gỡ kén” đã giảm được công lao động và tăng thu nhập” – anh Cần nói. Theo chia sẻ của anh Cần, sau khi nuôi tằm con trên nong theo cách thông thường, đến giai đoạn tằm chín, thay vì bắt lên né tre thì tằm được lên né gỗ. Dùng né gỗ sẽ tránh bị trường hợp kén đôi như sử dụng né tre. Bởi sau khi rải tằm lên né, nhiều con tằm vẫn tập trung vào một vị trí nên nếu chỗ nào nhiều tằm tập trung thì né sẽ xoay xuống dưới. Theo phản xạ tự nhiên, con tằm nào chưa tìm được chỗ để kết kén sẽ bò lên chỗ cao hơn để làm tổ. Nhờ đó người nuôi đỡ mất công bắt tằm kết kén đôi. Đối với né gỗ, mỗi né đều được phân ô rõ ràng, nên mỗi con tằm chỉ ở trong ô riêng. Hơn nữa, mỗi ô được thiết kế vừa với kích thước của kén tằm nên lượng phân và nước tiểu đều được thải khỏi né. Chính vì vậy, chất lượng kén tằm cao hơn hẳn, tằm “lên tơ” đều và trắng.
Khi thu hoạch kén, người nuôi tằm chỉ việc bỏ né gỗ vào máy dập kén. Việc sử dụng máy dập kén vừa đỡ tốn công lao động, chất lượng kén lại cao, nên giá bán chênh lệch cao hơn so với kén trên né tre. Do đó, lợi nhuận cũng tăng cao hơn nhiều.
Anh Cần cho biết, hiện nay, với hơn 1 mẫu dâu, anh có thể nuôi được 2 hộp tằm/lứa. Mỗi lứa, nếu nuôi tốt có thể thu được khoảng 120kg kén. Với giá kén hiện tại, sau khi trừ mọi chi phí giống, thuốc, phân bón và công lao động…mỗi lứa, anh Cần thu về hơn 8 triệu đồng. Một tháng, nuôi 2 lứa, cho thu nhập khoảng 16 triệu đồng.
P.Hương