Nhận thấy ưu điểm từ vỏ của trái chúc, qua nhiều tháng nghiên cứu, cô Châu Hải Yến, giáo viên dạy hóa Trường THPT Nguyễn Trung Trực, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã thành công trong việc chiết xuất vỏ trái chúc thành tinh dầu.
Trái chúc có hình dáng giống trái chanh nhưng vỏ xù xì, vị chua dùng để lấy nước. Lá chúc tương tự lá chanh nhưng to và có ngấn, đặc biệt có mùi thơm đặc trưng. Cây chúc chỉ sinh trưởng tốt ở vùng Bảy Núi (gồm 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên), nếu đem trồng ở các địa phương khác thì cây không phát triển tốt hoặc không ra trái.
Ở An Giang, người dân sử dụng lá và trái chúc để chế biến gia vị cho món ăn ngon như: cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, cháo gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc… Chính vì lá và trái chúc có mùi thơm độc đáo nên nhiều chuyên gia ẩm thực các tỉnh thành khác đã đến Bảy Núi tìm tòi và sử dụng nó như một gia vị đặc biệt. Ai có dịp đến vùng Bảy Núi đều tìm trái chúc.
Cây chúc được trồng tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nên không bị nhiễm các chất độc hại. Trái chúc còn có thể dùng để nấu lấy nước gội đầu. Hương thơm dịu nhẹ của nước chúc tỏa ra từ mái tóc giúp sảng khoái, ngủ ngon hơn.
Một điều đặc biệt là vỏ trái chúc có chứa hàm lượng tinh dầu rất cao. “Khi sử dụng trái chúc, người ta đều lấy nước bên trong mà bỏ vỏ bên ngoài, như thế là rất lãng phí nguồn tinh dầu”, cô Yến chia sẻ.
Qua nhiều tháng nghiên cứu, cuối cùng cô Yến đã thành công chiết xuất vỏ trái chúc thành tinh dầu. Cô Yến từng tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang” và sản phẩm đạt giải nhì. Năm 2018, cô chính thức đưa sản phẩm ra thị trường và nhận được nhiều sự quan tâm vì sản phẩm có mùi thơm độc đáo, dễ chịu, vị the, có dược tính cao, hoàn toàn tự nhiên.
Một chai tinh dầu chúc 5ml giá 105.000 đồng, chai 10 ml giá 190.000 đồng, bình quân 1.000 kg trái chúc thu được 350-400 kg vỏ, chiết xuất được 12 lít tinh dầu. Cô Yên tâm sự, sản xuất được tinh dầu từ trái chúc sẽ nâng cao giá trị sử dụng của trái, từ đó có thể nhân rộng diện tích trồng chúc góp phần phát triển kinh tế địa phương. Rộng hơn, cây chúc là loài thực vật tiềm năng lớn về mặt thương mại trong các lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất và y tế.
Để đa dạng và nâng cao giá trị của sản phẩm, cô Yến đang nghiên cứu làm nước hoa xịt phòng, làm kem bôi da diệt khuẩn từ trái chúc.
T.G (Theo Thanh Niên)