Từ hai bàn tay trắng, chị Lê Thị Lùn, xã Phú Vinh (huyện Định Quán) đã mạnh dạn vay vốn, cùng chị em đầu tư tổ hợp tác phát triển kinh tế gia đình bằng cây bưởi. Tích cực tìm kiếm thông tin, và tham dự lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, chị đã áp dụng thành công nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng và chăm sóc, giúp cây bưởi sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh cho năng suất cao.
Sản phẩm mô hình làm giàu của hội viên phụ nữ Hội LHPN huyện Cẩm Mỹ
Khởi đầu tổ hợp tác có 21 ha, đến nay đã tăng diện tích trồng cây bưởi lên 32 ha, do hiệu quả phát triển kinh tế tốt, đem lại thu nhập cho gia đình các thành viên tổ hợp tác. Riêng gia đình chị Lê Thị Lùn mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng từ vườn bưởi. Kinh tế gia đình từng bước đi lên, con cái trưởng thành được học hành đầy đủ.
Hay câu chuyện khởi nghiệp của chị Phạm Thị Nhung, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) với nguồn vốn 5 triệu đồng, chị Nhung đã cùng các hội viên khác tổ chức trồng rau sạch theo mô hình VietGAP. Ðến nay, cả 38 chị em trong tổ hợp tác đều kinh doanh, trồng rau sạch và từng bước nâng cuộc sống lên khá, giàu. Riêng chị Nhung, ngoài tham gia tổ hợp tác cùng chị em, gia đình chị còn làm trang trại quy mô 4000 m2 trồng các loại rau, cung cấp cho các cửa hàng rau sạch, hỗ trợ, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động.
Những câu chuyện trên là điển hình cho tinh thần vượt khó, cùng với chính sách hỗ trợ từ tổ chức Hội LHPN nữ các cấp, nhiều cá nhân đã mạnh dạn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình thoát nghèo. Sau hai năm (2017 – 2018) thực hiện chương trình phụ nữ sáng tạo – khởi nghiệp, toàn tỉnh đã có 216 tập thể, trên 11.000 cá nhân tiêu biểu thực hiện tốt phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Các cấp Hội đã thành lập và duy trì hoạt động trên 5.000 tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm với gần 90.000 thành viên, tổng số vốn lên trên 56 tỷ đồng; giải quyết cho trên 40.000 lượt phụ nữ vay vốn làm kinh tế, giúp gần 2.000 chị khó khăn không tính lãi… với tổng số tiền 12 tỷ đồng; góp phần giúp hơn 2.300 hộ nghèo A do phụ nữ làm chủ thoát nghèo…
Bà Bùi Thị Hạnh, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho hay, thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã đề ra, trong đó phấn đấu sẽ có 3/14 liên quan đến công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đó là: 80% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội giúp vốn và hỗ trợ khác, trong đó 40% thoát nghèo; hàng năm, mỗi cơ sở Hội giúp ít nhất 1 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững; 80% hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm ít nhất 5.000 đ/tháng (dưới mọi hình thức) để giúp cho các hộ phụ nữ khó khăn có vốn sản xuất, kinh doanh; hàng năm cấp tỉnh và huyện hỗ trợ ít nhất 02 phụ nữ khởi nghệp hoặc khởi sự kinh doanh, nhiều giải pháp đã được Hội tổ chức triển khai như: phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ phát triển kinh tế cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập; động viên chị em tự tin, dám nghĩ dám làm; Hội cũng thực hiện vai trò kết nối với các cơ quan chức năng, các sở, ngành để chị em tiếp cận được nuồn vốn vay, được dạy nghề, tạo việc làm, gắn đào tạo và tạo việc làm trong doanh nghiệp, HTX/tổ hợp tác, cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo nghề cho lao động nữ,…
Các sản phẩm khởi nghiệp, làm giàu của chị em rất đa dạng và phong phú, chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.
Phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, khởi nghiệp có nhiều khởi sắc. Các cấp Hội đã trở thành người bạn đồng hành với chị em phụ nữ trong khởi nghiệp/ khởi sự kinh doanh, trong học nghề, sản xuất, có khát vọng vươn lên làm giàu; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, đa dạng hóa ngành nghề… Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả và hàng ngàn gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các mô hình có mức thu nhập từ 100 triệu đến trên 500 triệu đồng/năm, tiêu biểu có gương đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. Phong trào đã khuyến khích, động viên phụ nữ khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới.
Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tập trung đẩy mạnh kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” trên địa bàn tỉnh với mục tiêu thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, tạo phong trào khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ các cấp; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ chất lượng, bền vững, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu hỗ trợ thành lập ít nhât 20 mô hình kinh tế tập thể trong đó 10 hợp tác xã và 10 tổ liên kết sản xuất do phụ nữ quản lý; hỗ trợ 350 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho rằng, tuy đạt được những kết quả nhất định, song công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp vẫn còn hạn chế cần tháo gỡ. Vì vậy, để phong trào khởi nghiệp trong cán bộ, hội viên phụ nữ ngày càng phát triển, các cấp Hội cần tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp gắn với biểu dương, tôn vinh các điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, nữ doanh nhân thành đạt. Bên cạnh đó, Hội cũng cần làm tốt vai trò kết nối các nguồn lực, tổ chức được các diễn đàn, hội chợ, xây dựng các điểm bán hàng để hội viên phụ nữ quảng bá sản phẩm; phối hợp với các ngành xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị…
Thanh An