Thanh niên nông thôn mạnh dạn khởi nghiệp

Khởi nghiệp với thanh niên nông thôn chưa bao giờ là dễ dàng bởi lẽ thanh niên nông thôn khởi nghiệp hầu hết dựa vào phát triển kinh tế nông nghiệp vốn nhiều rủi ro. Tuy nhiên với tinh thần dám nghĩ, dám làm, biết tận dụng những lợi thế của địa phương, nhiều thanh niên nông thôn đã khởi nghiệp thành công.

Anh Nguyễn Tiến Chương (phải) đang giới thiệu về các sản phẩm làm từ gấc

* Trồng gấc làm dược liệu, mỹ phẩm và xuất khẩu

Từ bỏ công việc giảng dạy tại một trung tâm tin học ở Thành phố Hồ Chí Minh với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng, năm 2015, chàng cử nhân công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Chương (sinh năm 2984) về quê ở xã Bàu Sen, thĩ xã Long Khánh khởi nghiệp với mô hình trồng gấc lấy tinh dầu.

Anh Chương chia sẻ: “Nhân 1 lần có người tìm thuê đất để trồng gấc, tôi tò mò tìm hiểu thì thấy trồng gấc đem lại giá trị kinh tế cao không thua kém một số cây trồng khác. Đặc biệt, khi sản phẩm xuất bán được ra thị trường nước ngoài thì giá trị sẽ được nâng cao gấp nhiều lần so với giá bán trong nước. Tôi bắt đầu mê gấc và quyết dùng số vốn mình sẵn có để đầu tư trồng gấc”.

Nghĩ là làm, anh Chương đã tìm kiếm và thuê được mảnh đất khoảng 6 sào ở gần nhà để trồng gấc. Vì đã tìm hiểu chuẩn bị kỹ nên anh Chương không mấy khó khăn trong việc trồng, chăm sóc gấc. Anh Chương cho hay, cây gấc từ khi trồng cây con đến khoảng 3 tháng sau bắt đầu ra bông, đậu trái và tiếp tục chăm sóc khoảng 4 tháng nữa là thu hoạch. Những mùa sau đó, chỉ cần hăm sóc khoảng 4 – 5 tháng là thu hoạch. Uuwu điểm của cây gấc là vụ thu hoạch lần đầu với sản lượng khoảng 200 – 300kg/sào, nhưng đến vụ thứ 2 trở đi sản lượng tăng lên từ 1,5 – 2 tấn/sào. Cây gấc trồng một lần nhưng có thể cho thu hoạch từ 20 – 25 năm.

Lúc đầu, anh Chương bán trái gấc cho 1 công ty, nhưng sau đó họ ngưng thu mua khiến anh gặp không ít khó khăn. Vừa lăn lộn tìm cách để bán gấc trái, anh vừa cố gắng suy nghĩ để tìm giải pháp tiêu thụ “bền” hơn. Anh Chương đã nghĩ đến việc chế biến, làm ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao từ trái gấc.

Ban đầu, anh Chương bắt tay thực hiện ép gấc lấy tinh dầu và làm cơm gấc sấy khô để bán. Anh Chương chia sẻ: “Khi trái gấc chín, tôi thuê người xẻ ra lấy cơm bên trong và sắp lên khay sấy, sau đó tách phần cơm ra khỏi hạt và sấy thêm lần nữa cho thật khô rồi cho vào máy ép ra tinh dầu. Cơm gấc sau khi sấy xong cho vào đóng bịch. Hiện giá bán tinh dầu gấc là 2,8 triệu đồng/lít và cơm gấc sấy khô bán với giá 300.000 đồng/kg. Ngoài ra, hạt gấc tôi đem phơi khô bán với giá 30.000 – 35.000 đồng/kg; vỏ gấc ủ làm phân vi sinh để bón cho cây gấc”. Anh Chương cũng cho hay, sau khi trừ chi phí, mỗi ha gấc, anh thu lời về khoảng 120 triệu/năm.

Từ năm 2017, anh hợp tác cùng với một người bạn học về hóa sinh để nghiên cứu sản xuất hóa, mỹ phẩm từ tinh dầu gấc như: xà bông, kem dưỡng da, son môi…Hiện nay, anh đang hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để đưa các sản phẩm về tinh dầu gấc ra thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đến nay, anh Nguyễn Tiến Chương đã liên kết với nhiều nông dân xây dựng được vùng nguyên liệu gấc trên 25 hécta xen canh với cây cao su. Anh Chương đã thành lập Công ty TNHH gấc Trọng Tín chuyên về gấc sấy khô, tinh dầu và mỹ phẩm làm từ gấc cung cấp cho một số tỉnh, thành trên cả nước.

* Chàng trai 9X làm giàu nhờ nuôi lươn không bùn

Tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi lươn không bùn dễ chăm sóc, quản lý và có hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt có thị trường đầu ra rộng, xuất khẩu được sang thị trường Nhật, Mỹ Là, chàng trai trẻ Ngô Chiến Thắng (sinh năm 1996) ở ấp 1, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ đã quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn.

Anh Ngô Chiến Thắng đang cho lươn ăn

Anh Thắng chia sẻ, khi quyết định bắt tay vào nuôi lươn không bùn, anh đã tự bỏ thời gian đi học hỏi mô hình nuôi lươn không bùn tại các tỉnh miền Tây. Thời điểm heo bệnh, rớt giá, gia đình ngưng chăn nuôi heo, anh Thắng đã ận dụng chuồng heo để làm bể nuôi lươn.

Với lợi thế có nguồn nước suối tự nhiên dồi dào, nên anh Thắng đã xử lý qua ao hoặc bể lắng, tận dụng các ngăn chuồng heo bên trong lót bạt, lắp đặt hệ thống bơm, hút nước và mua 2 ngàn con lươn giống về nuôi thử, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế, lứa đầu tiên xuất bán tỷ lệ lươn sống đạt trên 70%.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi lươn không bùn, anh Thắng cho biết, muốn nuôi lươn trong bể lót bạt bắt buộc phải có những dụng cụ thủy sản sau: bút đo Ph của nước; máy đo nhiệt độ nước, máy xục khí (nếu dùng nước giếng khoan), sản phẩm xử lý nước như Iodin, vi sinh….Nguồn nước tốt nhất là nước suối đã qua ao hoặc bể lắng lọc – xử lý nhẹ. Nhiệt độ thích hợp khoảng 27-280C. Nước không chứa các khí độc như H2S, So2, NH3, Fe, Mgie…Bể nuôi thì sử dụng bể xi măng lót bạt sẽ tốn ít chi phí hơn là dùng bể gạch bông. Bể nên xây âm mặt đất từ 20 – 30cm, diện tích từ 5m2 – 20m2 trở lên. Bể nuôi lươn ở vị trí yên tĩnh.

Đối với nguồn thức ăn cho lươn là cá tạp hoặc cám viên (loại dành cho cá rô phi), phối trộn 2 thức ăn theo tỉ lệ 5:5 hay 7:3. Còn thức ăn tươi sống thì phải bảo đảm không ôi thiu. Lươn nhỏ ngày cho ăn 1 lần vào xế chiều, lươn to thì cho ăn 2 lần vào sáng và chiều tối với tỉ lệ thức ăn dao động từ 3-8%.

Để phòng bệnh cho lươn thì cứ 1 ngày/lần đối với lươn nhỏ và 2 ngày/lần đối với lươn lớn phải thay toàn bộ nước trong bể và định kì xử lý nước bằng chế phẩm sinh học hay các sản phẩm có thương hiệu như Anova, Eff.bio…. Đặc biệt, định kỳ 2 tuần trộn tỏi xay nhuyễn vào thức ăn cho lươn và cho ăn 5 ngày liên tục sẽ có hiệu quả phòng bệnh tốt. Hỗn hợp thức ăn trộn tỏi gồm: chế phẩm sinh học, 10 kg tỏi, 16 lít nước sạch, 3kg mật thủy đường và 1 lít giấm ăn trộn đều, ủ kín trong vòng 20 ngày là sử dụng được. Ngoài ra, cứ 1 tháng tiến hành xổ giun 3 ngày liên tục cho lươn. Đồng thời định kỳ 1 tháng cho lươn ăn trùn quế để phòng bệnh.

Nhờ áp dụng những phương pháp này mà lươn nuôi của Thắng không cần sử dụng bất kể loại kháng sinh nào, lươn vẫn khỏe mạnh. “Lươn nếu phòng bệnh theo định kì đầy đủ thì hầu như sẽ không có bệnh, tỉ lệ sống có thể lên tới 95%. Lươn nuôi sẽ có 1 số ít do không tranh giành được thức ăn nên kích cỡ sẽ không đồng đều nên sau khoảng 1,5 tháng định kì phân cỡ lươn ra bể khác, tránh lươn ăn nhau làm xây xát lươn” – anh Thắng chia sẻ.

Anh Thắng cũng cho biết, diện tích bể thích hợp nhất để nuôi lươn là tầm 5 – 10m2, mật độ thả lươn thích hợp là 300con/m2, thả giống cỡ 200con/kg, sau 8-10 tháng nuôi sẽ đạt 300kg thương phẩm.

Hiện tại, anh Thắng có 10 bể nuôi lươn, mỗi đợt thả khoảng 1.500 con lươn, nuôi từ 6-12 tháng cho thu hoạch toàn bộ, sau khi trừ chi phí, mỗi bể có lãi từ 8-10 triệu đồng. Nuôi lươn rất ít tốn công sức và thời gian, mỗi ngày chỉ dành ra khoảng 2 tiếng đồng hồ là được. Chính vì thế, bên cạnh việc nuôi lươn, anh Thắng còn có 5000m2 nuôi cá giống, cá thịt. Toàn bộ mô hình này cho anh Thắng thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm sau khi trừ toàn bộ chi phí. Hiện, anh Thắng đang thử nghiệm sản xuất lươn giống để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của mình và cung cấp cho thị trường.

P.Hương