Khởi nghiệp từ cây tăm giang

Nguyễn Bách Trường, sinh năm 1987 tại Hoài Đức (Hà Nội) là ông chủ của cơ sở sản xuất tăm giang Trường Thịnh, lớn nhất huyện với mức tiêu thụ gần 40 tấn/năm.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, Trường phải vừa học vừa đi làm thêm. Khi tốt nghiệp cấp 3, Trường quyết định nhập ngũ. Thời gian này, Trường vừa tự học vừa ấp ủ trong mình con đường kinh doanh.

Gia đình Trường làm nghề tăm, nhưng với lối sản xuất nhỏ lẻ, kiểu làng nghề truyền thống ở làng quê, lại không cạnh tranh được với loại tăm nhỏ của Trung Quốc, thu nhập không ổn định. Trường luôn trăn trở đến sự thay đổi.

Lập gia đình, ra làm ăn riêng, Trường gần như bắt đầu từ đầu với việc tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trường chọn cách bán hàng trực tiếp cho các cửa hàng trong vùng. Nhưng vì sản phẩm chưa có thương hiệu, lại là người mới, chưa ai biết uy tín làm ăn của Trường ra sao, nên hầu như không bán được sản phẩm.

Nhìn lại sản phẩm, Trường trăn trở: Sản xuất tăm tre thủ công, quy mô nhỏ, tăm tre dễ mốc, chất lượng kém nên việc cạnh tranh gần như không thể. Để thay đổi và thử thách bản thân, Trường muốn sản xuất tăm từ một loại nguyên liệu khác sạch hơn, giá trị cao hơn, không độc hại. Và Trường nghĩ đến cây giang, một loại cây dẻo, có mùi thơm, đáp ứng được các yêu cầu đó. Dù giá thành cây giang cao hơn cây tre, đồng nghĩa việc tiêu thụ sản phẩm sẽ khó khăn hơn, nhưng Trường vẫn quyết định thay đổi.

Trường mất một năm để đưa tăm giang vào thị trường Việt. Hiện tại, cơ sở sản xuất của anh tạo công ăn, việc làm chủ yếu cho phụ nữ và trẻ em trong vùng. Bách Trường nhập giang về, giao cho từng hộ gia đình, tuốt sợi bằng tay. Sau đó, các sợi giang sẽ được chuyển về xưởng chọn lọc đạt chất lượng, tiến hành xén, sấy khô và đóng gói.

Một trong những quy trình quan trọng nhất khi làm tăm đó là sấy khô. Anh chia sẻ: “Cây giang là nguyên liệu tươi nên cần được sấy bằng ga để làm khô trong 10 phút. Nếu kỹ thuật sấy đạt chuẩn, tăm sẽ được bảo quản từ 6 tháng – 1 năm, còn nếu không tăm sẽ nhanh bị hỏng, mốc. Tăm bằng giang không tẩy trắng bằng lưu huỳnh, còn giữ nguyên được màu xanh, mùi thơm, mang đến sản phẩm an toàn, có giá trị sử dụng tốt nhất”.

Bên cạnh chất lượng của tăm, anh Trường chú trọng việc thiết kế mẫu mã cho sản phẩm tưởng như nhỏ bé và đơn giản này. Tăm Trường Thịnh được hai thành 7 loại, đáng chú ý là tăm tiệc cưới và tăm vỉ. Trong đó tăm tiệc cưới có bao bì ấn tượng với gam màu đỏ và vàng. Ông chủ 8X quan niệm: “Đời sống ngày càng cao, người tiêu dùng không chỉ sử dụng đồ tốt mà còn đẹp”.

Mỗi tháng, cơ sở sản xuất Trường Thịnh tiêu thụ khoảng 3 tấn tăm, mang về doanh thu cho anh là 3 tỷ/năm. Cơ sở của anh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 50 công nhân và 150 lao động thời vụ.

Với những đóng góp trong sự phát triển kinh tế địa phương, Trường được Trung ương Đoàn trao tặng bằng khen thanh niên làm kinh tế giỏi.

T.G (Theo Enter News)