Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2024: Nhiều dự án có tiềm năng tăng trưởng

Cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai là một hoạt động thường niên trong những năm gần đây của Hội LHPN tỉnh Đồng Nai nhằm tìm kiếm, tôn vinh các dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới được triển khai trên địa bàn tỉnh và có thể tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh.

Hình chung kết và trao giải cuộc thi năm 2024.

Những dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao

Năm nay, ý tưởng/dự án khởi nghiệp của cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn đa dạng các lĩnh vực khởi nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe, sản phẩm thủ công, phát triển du lịch cộng đồng… Trong số 81 dự án dự thi, có 05 chủ thể là doanh nghiệp, 15 chủ thể là hợp tác xã/tổ hợp tác, 53 chủ thể là hộ kinh doanh.

Dự án khởi nghiệp “Sản xuất và kinh doanh gà tre thảo dược” của chị Nguyễn Thị Lệ Huyền (thành phố Long Khánh) đạt giải Nhất, trong đó sản phẩm gà tre thảo dược đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Đây được đánh giá là một dự án có tiềm năng tăng trưởng dựa trên mô hình và cách làm mới không sử dụng kháng sinh, giúp cho thịt gà có hương vị thơm ngon, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Chị Lệ Huyền cho biết điểm khác biệt so với những mô hình nuôi khác ở chỗ chúng tôi bổ sung vào khẩu phần thức ăn nhiều loại thảo dược tốt có lợi cho sức khỏe của gà, góp phần thay thế hoàn toàn các loại kháng sinh và chất kích thích tố tăng trọng thường sử dụng trong quy trình nuôi gà bình thường.

Trong khi đó, đem giấc mơ bảo tồn giá trị văn hóa bản địa Đồng Nai tới Cuộc thi, chị Ká Tuyền (Tân Phú) đã xuất sắc giành giải Nhì. Dự án du lịch cộng đồng làng Tà Lài – Tà Lài Eco Lodge ra đời là hoài bão của cô gái trẻ, góp phần bảo tồn văn hóa, tạo ra sinh kế và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân trong làng.

Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Làng Tà Lài do chị Ká Tuyền điều hành hiện có 10 thành viên, đang định hướng phát triển lên HTX. Khu lưu trú homestay Tà Lài Eco Lodge cũng vừa được khai trương và đang đón gần 100 khách mỗi tháng. Con số này còn khiêm tốn nếu so với lượng khách cả ngàn người mỗi ngày đến Vườn Quốc gia Cát Tiên, song là khởi đầu khá ấn tượng cho một dự án còn non trẻ.

“Chúng tôi tận dụng cảnh quan có sẵn để kết nối, xây dựng điểm nhấn du lịch riêng khi đến với Tà Lài – Vườn Quốc gia Cát Tiên, và cũng cần thêm nguồn vốn hợp tác đầu tư”, Ká Tuyền tâm sự.

Còn đối với chị Lê Thị Liên (huyện Định Quán) cho biết: đa dạng hóa sản phẩm thông qua chế biến không chỉ gia tăng giá trị trái bưởi da xanh trên địa bàn xã Thanh Sơn, mà còn giúp giảm lãng phí trong nông nghiệp; tạo thêm việc làm cho người dân, nhất là chị em phụ nữ khó khăn trong xã.

Sản phẩm chế biến từ nguyên liệu bưởi da xanh tại huyện Định Quán.

Rượu bưởi Liên House’s của chị tận dụng diện tích trồng bưởi lớn, lại chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng ngay tại chỗ để giảm chi phí đầu vào. Nguồn nhân công là các chị, em phụ nữ tại địa phương cũng là lợi thế để cạnh tranh.

Phát huy tài năng bản địa, tiềm năng tham gia chương trình OCOP

Các dự án lọt vào vòng chung kết đã thể hiện tiềm năng lớn trong việc phát triển sản phẩm, phát huy tài nguyên bản địa, và có thể tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của tỉnh.

Dự án Sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau từ cây bột trầm hương của chị Nguyễn Thị Thái Sang (huyện Long Thành) sử dụng 100% thành phần tự nhiên từ Bột Trầm hương được trộn đều với keo thực vật (Bột bời lời). Xuất phát từ nhu cầu sử dụng nhang sạch hiện nay, chị Sang đã nghiên cứu tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng, góp phần nâng tầm giá trị của các nguồn nguyên liệu địa phương.

Chị Thái Sang chia sẻ: Tất cả các dòng sản phẩm nhang sạch và an toàn của Thái Sang Trầm hương được sản xuất hoàn toàn từ bột trầm hương Việt Nam và keo của cây bời lời. Sản phẩm được chú trọng vào chất lượng sản phẩm, từ khâu chọn nguyên liệu đến quy trình sản xuất. Hiện tôi đang thực hiện hoàn thiện hồ sơ OCOP cho các sản phẩm nhang trầm hương của cơ sở.

Với mong muốn tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Hồng Tươi (Cẩm Mỹ) đã mạnh dạn đầu tư trồng rau sạch trong nhà màng, nhà lưới, phát triển sản phẩm rau, củ quả đạt chuẩn Vietgap, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tăng thu nhập cũng như góp phần tăng trưởng nền kinh tế địa phương.

“Tại Nông trại Phú Cường, chúng tôi áp dụng kĩ thuật trồng rau, củ tiên tiến, đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nguồn giống đạt tiêu chuẩn. Bản thân tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn để có đủ năng lực ứng dụng VietGAP trong sản xuất rau an toàn. Chúng tôi định hướng phát triển sản phẩm OCOP cho một số loại rau, củ quả của nông trại”, chị Hồng Tươi cho hay.

Dự án Các món ăn được chế biến từ gạo của Vương Minh Huyền và Nguyễn Thị Thùy Trang (huyện Thống Nhất) mang đến cho khách hàng các dòng sản phẩm như phở tươi, bánh đa, hủ tiếu, bún gạo, … mang tính chất đặc thù của địa phương, góp phần tiêu thụ nông sản (lúa, gạo) cho người dân canh tác lúa gạo tại địa phương. Bao bì sản phẩm được thiết kế đẹp, có tính hấp dẫn đối với người tiêu dùng.

Chị Thùy Trang cho biết: Cơ sở sản xuất Hùng Trang kế thừa từ nghề truyền thống của gia đình sản xuất sợi bánh đa, hủ tiếu, phở khô các loại được làm từ bột gạo nguyên chất với những hạt gạo thơm ngon của địa phương. Sản phẩm bánh phở tươi của chúng tôi sản xuất đảm bảo chất lượng, sản lượng có thể cung ứng cho thị trường trên toàn quốc, mang đậm bản sắc truyền thống của địa phương. Sản phẩm đảm bảo các tiêu chí trong chương trình OCOP.

Hình ảnh các dòng sản phẩm làm từ cây trầm hương.

Hộ kinh doanh Phan Lê Ân (Tp. Biên Hòa) mang đến cuộc thi sản phẩm Viên gừng Bào Khương đáp ứng nhu cầu thị trường về sản phẩm chế biến từ dược liệu có chất lượng cao, hỗ trợ, tăng cường sức đề kháng, tăng huyết áp, cải thiện tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể, trục hàn khí, …  tăng cường và bảo vệ sức khỏe một cách an toàn với chi phí hợp lý.

Chị Lê Thị Vân đại diện nhóm tác giả dự án cho biết: Sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp có sẵn trên địa bàn tỉnh gồm gừng và đường mía thô. Đây là những sản phẩm vào chính vụ giá rất rẻ, riêng đối với gừng sẻ là giống gừng bản địa của Việt Nam có giá trị dược liệu rất lớn, đã được chứng minh qua các công trình nghiên cứu khoa học. Sự kết hợp giữa gừng sẻ bản địa và đường mía thô không chỉ tạo ra một sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đồng Nai, mà còn đặc trưng cho nền y học cổ truyền Việt Nam. Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ đạt OCOP cho sản phẩm viên gừng Bào Khương.

Nguyễn Văn Tân, thành viên Giám khảo chấm thi vòng chung kết cho biết: Tại vòng chung kết, có dự án đã đạt OCOP 3 sao, có dự án đã định hướng phát triển OCOP trong thời gian tới thể hiện quyết tâm sẵn sàng phát triển của các chị em. Nhìn chung các dự án tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị nguồn lực, tài nguyên bản địa để tạo ra các sản phẩm chất lượng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng là sử dung sản phẩm thuận tự nhiên, an toàn. Đây là những sản phẩm có tiềm năng đặc trưng của địa phương, góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản bản địa.

Đa dạng hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển

Thực hiện Đề án 939, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động từng bước nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Tập huấn cho các dự án tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực về khởi nghiệp, quản trị kinh doanh; hỗ trợ vốn; hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý tạo nhiều việc làm cho phụ nữ…. đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững và thúc đẩy bình đẳng giới. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” trên địa bàn tỉnh.

Để đồng hành, hỗ trợ các thí sinh nhiều hơn trong quá trình tham gia Cuộc thi năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn trực tiếp hướng dẫn các kiến thức hoàn thiện Kế hoạch thực hiện dự án và kỹ năng thuyết trình dự án cho các thí sinh vào vòng Chung kết.

Phát biểu tại vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2024, Bà Lê Thị Thái – Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai cho biết, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh doanh trong hội viên và các tầng lớp phụ nữ. Đặc biệt, Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp và Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì tổ chức hàng năm. Cuộc thi nhằm lựa chọn, hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc từ các cá nhân, tổ chức là phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý.

Các dự án tham gia cuộc thi năm 2024 ra đời khi đã xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, với nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ phụ nữ của nhà nước. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm đến thực phẩm an toàn, có nguồn gốc từ thiên nhiên. Đó là những cơ hội lớn dành cho các dự án phụ nữ khởi nghiệp tăng tốc phát triển, mở ra khả năng tăng trưởng kinh tế hộ gia đình, cơ sở kinh tế.

Phan Ngọc Xuân Duy