Từ hàng trăm ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai trong 06 năm qua, toàn tỉnh đã có 34 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất sắc được UBND tỉnh tặng giấy chứng nhận. Các dự án khởi nghiệp cấp tỉnh mang tính khả thi cao, đã tạo ra giá trị, hình thành nên nhiều dịch vụ, sản phẩm hữu ích và được cộng đồng đón nhận. Thế nhưng, nhiều dự án đang phải tự bơi để tồn tại, hoặc loay hoay xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, vẫn chưa thực sự phát triển bứt phá. Vậy khó khăn nào khiến hành trình khởi nghiệp chưa được rộng mở và cần giải pháp gì để khai thông con đường ấy?
Bài 1: Bắt đầu từ cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai được tổ chức hàng năm trong khuôn khổ Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh ĐồngNai. Cuộc thi được chỉ đạo bởi UBND tỉnh Đồng Nai, thành phần Ban tổ chức gồm có các Sở, ban ngành, trường đại học trên địa bàn tỉnh. Qua 6 năm triển khai, 34 dự án được Ban tổ chức xem xét trao giải, trong đó 29/34 dự án đã thành lập cơ sở kinh doanh/doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh có tăng trưởng, mở rộng quy mô. Quy mô các dự án đều thuộc loại siêu nhỏ với nguồn vốn từ 100 – 3.000 triệu đồng; có 3 – 15 lao động; doanh thu từ 50 – 2.000 triệu đồng.
Nhiều startup trưởng thành từ cuộc thi
Dự án khởi nghiệp: “Nghiên cứu, tận dụng nguồn bưởi non huyện Vĩnh Cửu để làm xà phòng thiên nhiên (xà phòng bưởi)” của chị Bùi Thị Thủy (Vĩnh Cửu) xuất phát từ chính thực tế tại địa phương: trên địa bàn huyện trồng nhiều bưởi, người dân thường phải cắt tỉa bỏ những trái non, nhận thấy tiềm năng có thể tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên này để làm xà phòng, chị Thủy bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu, điều chỉnh công thức để có được bánh xà phòng chất lượng mang thương hiệu Lá Farm gửi tới khách hàng.
Chị Bùi Thủy, founder Lá Farm chia sẻ: Đây là lần đầu tiên mình tham gia cuộc thi khởi nghiệp. Thông qua cuộc thi đã cho mình nhiều kĩ năng, nhiều mối quan hệ, biết thêm nhiều kiến thức qua các chương trình mentor, tập huấn hoàn thiện mô hình kinh doanh. Giải Ba Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2021 là sự khích lệ rất lớn đối với một cá nhân làm kinh doanh như mình. Từ thành công bước đầu này, mình đã mạnh dạn tham gia và đạt giải Ba cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng dự án phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” lần thứ 4/2022 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai, giải Nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn TNCSHCM tổ chức; và một số các giải thưởng, danh hiệu được các cơ quan, tổ chức từ Trung ương tới địa phương trao tặng.
Anh Tạ Quang Hiển đại diện nhóm tác giả đạt giải Nhất Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2023 với dự án “Hệ thống xác thực thông tin tiêu thụ nông sản và vị trí vùng trồng cùng với sàn thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” cho biết: Đây là một cuộc thi rất nghiêm túc, được tổ chức bài bản và chuyên nghiệp. Các dự án tham gia dự thi rất mạnh và có nhiều sản phẩm chất lượng, nhờ vậy trong cuộc thi tôi đã làm quen, giao lưu học hỏi được với nhiều bạn startup. Sự góp ý và lời khuyên của giám khảo cũng như các mentor đã giúp dự án có những điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với sự phát triển của thị trường. Thông qua cuộc thi, sản phẩm của chúng tôi được các cơ quan truyền thông, báo đài đưa tin, chúng tôi được mời tham gia trình bày tham luận tại một số hội nghị, hội thảo chuyên ngành về ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp được tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Đa dạng hóa sản phẩm
Một số dự án sau khi đạt giải và được UBND tỉnh tặng giấy chứng nhận kết quả, đã chủ động đầu tư mở rộng nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc, đa dạng hóa các sản phẩm, tạo ra các sản phẩm khác biệt, tìm kiếm mở rộng thị trường, bước đầu xác lập vị thế, xây dựng thương hiệu, có nguồn thu, bước vào giai đoạn tăng trưởng.
Chị Thủy cho biết: vào thời điểm tham gia cuộc thi và đạt giải, sản phẩm của mình chủ yếu là xà phòng từ cây cỏ quanh vườn như gừng, nghệ, hương nhu, ngải cứu. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, mình đã phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như: bột bưởi rửa mặt lên men, serum dưỡng da từ hoa bưởi, dầu gội và cao gội bưởi… Bản thân mình luôn tâm niệm làm những sản phẩm tốt nhất, trân trọng, biết ơn và xem khách hàng là người thân của mình, để gửi tới họ những sản phẩm lành tính nhất. Hiện tại, Lá Farm đã có lượng khách hàng ổn định ủng hộ sản phẩm, đồng thời mình đang mở các lớp dạy làm xà phòng trực tuyến và trực tiếp cho chị em phụ nữ muốn có nghề nuôi sống bản thân, tự chủ để được tự do và tạo ra giá trị tích cực.
Chị Trần Thị Hà tác giả dự án: “Sử dụng phương pháp vật lý thay cho phương pháp hóa học trong sản xuất chả lụa” cho hay: Ngay sau khi đạt giải Ba cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2019, chị Hà đã bắt tay vào thành lập Hộ kinh doanh kỹ nghệ tổng hợp Cohafood. Từ khởi điểm chỉ có 1 sản phẩm chả lụa truyền thống, đến nay Cohafood đã mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ thịt như: chả lụa ớt xiêm xanh, chả quế, chả bò, chả bì, xúc xích, heo viên, nem nướng, giò thủ, chả cốm, chà bông, dồi sụn ….
Anh Nguyễn Văn Khôn (H. Trảng Bom) cho biết: Trong quá trình tham gia cuộc thi, tôi được các mentor và hội đồng giám khảo tư vấn đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ dược liệu xáo tam phân. Từ chỗ chỉ có sản phẩm trà xáo tam phân, đến nay doanh nghiệp đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng tôi có thêm các dòng sản phẩm dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe được chế biến từ nguồn nguyên liệu xáo tam phân trên địa bàn tỉnh.
“Từ sản phẩm chủ lực ban đầu là Thanh long đỏ lên men, đến nay Hộ kinh doanh thanh long Anna đã nghiên cứu, phát triển và cho ra đời thêm nhiều loại sản phẩm như: bưởi lên men, rượu bưởi, rượu thanh long. Tôi luôn cố gắng tạo ra các dòng sản phẩm khác biệt hướng đến phục vụ khách hàng tốt nhất” anh Ngô Thanh Long bộc bạch.
Bài 2: Khởi nghiệp – vẫn còn đó những khó khăn
Đa số các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn liền với tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với đặc điểm cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh; trong đó, có các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; chuyển đổi số; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; dược liệu, du lịch, ….
Thời gian vừa qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ các mô hình, dự án khởi nghiệp phát triển. Trong đó có hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu và các triển lãm trong, ngoài tỉnh; các hoạt động truyền thông giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp.
Chị Lê Thị Cẩm Vân tác giả dự án khởi nghiệp “Nhang sạch thảo mộc Vân Hương” hào hứng: May mắn từ khi Vân tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và đạt giải nên sản phẩm Vân Hương được sự quan tâm từ cơ quan truyền thông, nhiều bài viết trên báo đài đưa tin về sản phẩm. Cũng nhờ những chương trình phát sóng như thế mà khách hàng biết tới sản phẩm nhang sạch thảo mộc Vân Hương nhiều hơn. Vân còn có cơ hội đưa sản phẩm giới thiệu cho nhiều người thông qua tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Sở Công thương đã tạo điều kiện cho sản phẩm Vân Hương có mặt tại hoạt động kết nối giao thương các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nhờ đó mà Vân Hương đã kết nối thêm 02 đại lý phân phối tại thành phố Đà Nẵng là Hệ thống siêu thị sạch Giada market và Cửa hàng thực phẩm sạch Greentech Food”.
Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đạt được, đa số các dự án khởi nghiệp đều gặp khó khăn về nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực. Bước đầu lập thân lập nghiệp nên các chủ dự án khởi nghiệp thường có vốn nhỏ, chủ yếu là vốn tự có hoặc vay mượn bạn bè, người thân. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng để đầu tư trang thiết bị và mở rộng sản xuất, kinh doanh do thiếu tài sản thế chấp. Thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hạn chế, thiếu đồng bộ, nhà xưởng chưa đáp ứng điều kiện áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật. Nhân sự vận hành dự án thiếu các kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký xác lập và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thuế, marketing, thương mại hóa sản phẩm; nguồn lao động chủ yếu là từ lao động địa phương, chưa được qua đào tạo.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Văn Tuấn (H. Định Quán), founder Mô hình vườn rừng với cây sương sâm lông chia sẻ: Trong quá trình tham gia cuộc thi, tôi được giám khảo góp ý về cải thiện kích cỡ bao bì sản phẩm để phù hợp nhu cầu người tiêu dùng, tôi đã áp dụng và lượng khách hàng tăng lên đáng kể, có lúc chúng tôi nhận đơn hàng lớn, nhưng lại không đủ năng lực để đáp ứng vì thiếu máy móc thiết bị, hiện tại tôi đang mong muốn đầu tư hệ thống máy sấy lạnh, để nâng công suất chế biến và chất lượng sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Khôn cho biết: Sau khi đạt giải Nhì cuộc thi năm 2021, sản phẩm của chúng tôi được nhiều cơ quan báo đài đưa tin tuyên truyền quảng bá. Hiện nay vùng trồng xáo tam phân trên địa bàn tỉnh được mở rộng, hình thành tổ nghề nghiệp hỗ trợ phát triển cây dược liệu này trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm trà thảo mộc xáo tam phân của chúng tôi đã đạt OCOP 4 sao, nhưng độ nhận diện thương hiệu của cây dược liệu xáo tam phân ở phạm vi quốc gia và khu vực vẫn còn thấp. Theo tôi được biết, ngày 10/12/2022 Hội đồng nhân dân tỉnh đã Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ quảng bá thương hiệu thông qua việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với cây dược liệu xáo tam phân Đồng Nai, không chỉ quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mà còn làm tiền đề để phát triển ra thị trường quốc tế”.
“Đã có nhiều đơn vị liên hệ để kết nối với Vân Hương, tuy nhiên khi hỏi đến các giấy chứng nhận cho sản phẩm như: chứng nhận quy trình sản xuất theo ISO, chứng nhận sản xuất xanh thì doanh nghiệp lại chưa có, một phần vì doanh nghiệp chưa nắm vững cách thức để đạt các chứng nhận này, thêm nữa kinh phí của một doanh nghiệp khởi nghiệp còn hạn chế, mà việc duy trì giấy chứng nhận này hàng năm tốn một khoản chi phí không nhỏ, vì vậy nhang sạch thảo mộc Vân Hương mong muốn nhận được hỗ trợ để doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đạt chứng nhận, nâng cao năng suất chất lượng và có thể cạnh tranh được trên thị trường” chị Lê Thị Cẩm Vân bày tỏ.
Còn đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên, những ý tưởng, sản phẩm đạt giải cao rồi cũng chưa được triển khai và áp dụng trong thực tế. Như trường hợp của các bạn sinh viên đến từ Phân hiệu trường Đại học Lâm Nghiệp đạt giải Ba cuộc thi khởi nghiệp năm 2021 với ý tưởng “Tấm thấu quang cấu trúc gỗ”. Hồ Quốc Đăng Khánh trưởng nhóm dự án chia sẻ: Hạn chế hạn chế của nhóm chúng em là thiếu nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, kỹ năng quản lý… Thiếu vốn, sản phẩm không được hoàn thiện cũng như không được quảng bá ra thị trường. Bên cạnh đó, khó khăn về máy móc, kỹ thuật sản xuất cũng ảnh hưởng khá nhiều đến ý tưởng khởi nghiệp của nhóm”.
Bài 3: Tiếp sức cho dự án khởi nghiệp
Trước thực trạng khó khăn này, các dự án khởi nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ từ các quỹ, các nhà đầu tư; hỗ trợ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi theo hình thức cho vay dựa trên cơ sở thẩm định giá trị dự án và tiềm năng phát triển, thay vì phải thế chấp trong hoàn cảnh doanh nghiệp không có tài sản; rất cần hỗ trợ áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ, thiết kế nhận diện thương hiệu, đào tạo, kết nối giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm trưng bày, bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử. Cần sự hỗ trợ kết nối với các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức nghiên cứu để cùng đồng hành với doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Tuấn cho hay, ngay khi nhận được văn bản thông báo đăng ký chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 17/2023/NQ-HĐND, anh đã làm đơn và điền thông tin vào phiếu đăng ký, đề nghị hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong canh tác, sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây sương sâm lông theo mô hình vườn rừng hữu cơ; tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi hay thông tin hướng dẫn có liên quan, để biết liệu có đủ điều kiện để tham gia hỗ trợ hay cần bổ sung thêm hồ sơ, thông tin gì.
Tại Hội nghị triển khai hướng dẫn các hoạt động khoa học và công nghệ năm 2024 trên địa bàn huyện Thống Nhất, anh Đinh Văn Thành đồng sáng lập Laven Coffee, dự án đạt giải Ba cuộc thi khởi nghiệp năm 2023 trình bày: “Tại Laven Coffee chúng tôi ứng dụng nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cà phê rang xay. Trong môi trường cạnh tranh như hiện nay, đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo đà cho doanh nghiệp có sức bứt phá phát triển. Là một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến cà phê rang xay, tiềm lực của doanh nghiệp hiện nay rất hạn chế, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng”.
Trong khi đó Bà Trần Thị Hà cho biết: khi nhận được thông báo về chương trình Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 29/2020/NQ-HĐND, Hộ kinh doanh kỹ nghệ tổng hợp Cohafood đã nộp hồ sơ đăng ký hỗ trợ dưới hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ: Hoàn thiện mô hình sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ thịt không sử dụng phụ gia với quy mô 5 tạ/ngày. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024 Hội đồng điều phối Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai nhìn nhận, thời gian qua việc triển khai cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Đồng Nai theo Nghị quyết số 29 và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng điều phối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ với vai trò Cơ quan thường trực Hội đồng cùng các đơn vị liên quan rà soát lại kết quả, hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết số 29 để kịp thời có điều chỉnh, triển khai nhiệm vụ một cách có thực chất hơn.
Từ những mong muốn đặt ra của các dự án khởi nghiệp, Ông Lại Thế Thông – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, Sở sẽ xem xét, có kế hoạch hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp theo đúng các quy định của tỉnh, của Chính phủ. Lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình khởi nghiệp sáng tạo đổi mới sáng tạo của Trung ương và địa phương; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn theo nhu cầu của dự án khởi nghiệp; Hỗ trợ, hướng dẫn các dự án khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi từ các quỹ, ngân hàng, chính sách tín dụng; Hỗ trợ từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Từ đó tiếp sức cho các dự án khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều sản phẩm có ích đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai.
Hiện nay, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành một số chính sách hỗ trợ của ngành khoa học và công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 Ban hành quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 Quy định nội dung chi, mức chi thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 Quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết số 17/2023/NQ-HĐND ngày 29/92/2023 Quy định về nguyên tắc, điều kiện, nội dung hình thức, hồ sơ và mức hỗ trợ hoạt động chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023; Nghị quyết số 31/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Các chính sách hỗ trợ này khi đi vào thực tế sẽ đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của số đông doanh nghiệp khởi nghiệp, mở đường hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển bứt phá.
Đặng Bá Mạnh – Nguyễn Thị Hạnh