Những năm qua, các mô hình kinh tế tập thể của thanh niên không chỉ tập hợp, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh mà còn góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong đoàn viên thanh niên; xây dựng mối liên kết về kinh tế, giúp đoàn viên, thanh niên yên tâm khởi nghiệp, lập nghiệp…
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 172 CLB, 48 Tổ hợp tác, 11 HTX thanh niên làm kinh tế.
Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch Nguyễn Hiếu Trung cho biết nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên, năm 2008, Huyện đoàn thành lập CLB thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Từ chỗ chỉ có 12 thành viên ngày đầu thành lập, đến nay CLB đã phát triển được 32 thành viên – là những thanh niên đang làm chủ các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả tại các xã tham gia. Định kỳ 6 tháng/lần, CLB tổ chức họp mặt để các thành viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, mỗi lần Huyện đoàn tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp, một số thành viên trong CLB cũng sẽ tham gia chia sẻ quá trình khởi nghiệp của mình với mục đích truyền cảm hứng khởi nghiệp, lập nghiệp cho những đoàn viên, thanh niên đang ấp ủ ý định khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ đây, nhiều đoàn viên, thanh niên đã mạnh dạn thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình và đạt được thành công nhất định.
Cách đây hơn 3 năm, mặc dù cơ sở thiết kế quảng cáo của anh Huỳnh Văn Lâm, ấp Vũng Gấm, xã Phước An (H.Nhơn Trạch) đang hoạt động ổn định nhưng bởi khát vọng khởi nghiệp với mô hình liên quan đến trồng trọt mà anh Huỳnh Văn Lâm đã quyết định đầu tư cải tạo vườn tràm của gia đình, đưa cây bưởi da xanh về trồng tại mảnh đất Phước An. Để có được vườn bưởi xanh mướt chuẩn bị bước vào giai đoạn khai thác, anh đã đầu tư không ít vốn liếng, công sức. Anh Lâm chia sẻ, biết anh trồng bưởi da xanh, nhiều người nói anh “liều”. Bởi ở vùng này chưa ai trồng bưởi da xanh quy mô lớn như anh. Thế nhưng nhờ sự kiên trì và dày công chăm sóc, đến nay vườn bưởi da xanh đã cho những trái đầu tiên và độ ngon của bưởi không thua kém bưởi trồng ở các vùng khác.
Không chỉ “truyền ngọn lửa” khởi nghiệp, các mô hình kinh tế tập thể của thanh niên còn được ví như môi trường để các thành viên thi đua, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Mặc dù tốt nghiệp đại học nhưng vì niềm đam mê với móc len mà chị Nguyễn Hoàng Ý Nhi, ở ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) – thành viên CLB thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi xã Bảo Hòa đã chọn mô hình móc len làm thú nhồi bông để khởi nghiệp. Chị Ý Nhi cho biết, thời còn là sinh viên chị làm đủ việc để có tiền đi học. Một lần tình cờ nhìn thấy sản phẩm thú len nhồi bông nên chị đã nảy sinh ý tưởng móc len làm thú nhồi bông. Chị lên mạng tìm hiểu và làm thử. Cuối năm 2012 đang học năm cuối đại học, chị gửi bán một số sản phẩm thú len nhồi bông tại một số cửa hàng bán đồ lưu niệm và được người tiêu dùng đón nhận. Sau khi tốt nghiệp, Nhi về quê khởi nghiệp. Vì sản phẩm độc, lạ nên thú len nhồi bông của chị nhanh chóng tiếp cận được khách hàng trong nước và có cơ hội xuất ngoại bằng hình thức xách tay. Sau 7 năm khởi nghiệp, từ một mô hình nhỏ lẻ đến nay đã phát triển thành cơ sở thú len nhồi bông, giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương và đặc biệt có doanh thu ổn định từ 40-50 triệu đồng/tháng.
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Truyền cảm hứng khởi nghiệp, lập nghiệp; tạo môi trường để đoàn viên thanh niên thúc đẩy sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng của các CLB, tổ hợp tác, HTX thanh niên. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số đoàn viên, thanh niên là thành viên các mô hình kinh tế tập thể của thanh niên, hoạt động của các CLB, tổ hợp tác, HTX thanh niên hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các thành viên.
Chị Hoàng Thị Vân, thành viên CLB rau sạch xã Bàu Hàm (H.Thống Nhất) chia sẻ trước khi trở thành thành viên CLB rau sạch xã Bàu Hàm chị đã thành công với mô hình trồng nấm bào ngư xám. Bản thân chị không được đào tạo chuyên môn về trồng trọt nên trước khi triển khai mô hình chị tìm hiểu qua sách, báo, thậm chí là tìm đến các trại trồng nấm bào ngư xám ở TP.Long Khánh để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ thực tế. Chưa kể, sau đó chị phải trồng thử vài đợt, tới khi thành công mới dám rủ thêm người hùn vốn làm chung. Đến nay, trại nấm bào ngư xám của chị có diện tích khoảng 100m2, mỗi ngày thu hoạch bình quân từ 20-30kg nấm đem lại doanh thu khoảng 250 triệu đồng/năm. Ngoài trồng nấm bào ngư, chị Vân sử dụng khoảng 1.000m2 đất vườn của gia đình để trồng các loại rau xanh theo hướng an toàn… Theo như chia sẻ của chị Vân, nấm bào ngư và các loại rau sau khi thu hoạch sẽ cung cấp cho các tiểu thương tại chợ Dầu Giây và phục vụ nhu cầu sử dụng của một số người thân quen…
Kinh nghiệm trồng trọt đã có, đầu ra của các sản phẩm cơ bản ổn định nên khi tham gia vào CLB rau sạch xã Bàu Hàm, chị Hoàng Thị Vân mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm từ các thành viên, được đi tham quan các mô hình trồng trọt hiệu quả khác để tham khảo… Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia CLB, những mong muốn này của chị Vân vẫn chưa được đáp ứng.
Anh Đỗ Nguyễn Văn Mười, Bí thư Đoàn xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ) đề xuất cần có một người “nhạc trưởng” – là những người đã có thành công nhất định trong quá trình sản xuất kinh doanh để hỗ trợ đoàn viên thanh niên. Điều này chỉ có được khi tổ chức Đoàn đứng ra kết nối. Bên cạnh đó, vai trò của Đoàn còn thể hiện ở việc thường xuyên sâu sát với các CLB, tổ hợp tác, HTX để kịp thời định hướng, tháo gỡ những khó khăn của các mô hình.
Phát huy vai trò của Đoàn là chưa đủ, để các CLB, tổ hợp tác, HTX thanh niên hoạt động hiệu quả, sự chủ động của các thành viên trong ban chủ nhiệm, những người đứng đầu mô hình, sự tích cực của mỗi thành viên các CLB, tổ hợp tác, HTX thanh niên là vô cùng cần thiết. Bởi, các thành viên là những người hiểu hơn ai hết những điều mình cần từ các mô hình kinh tế tập thể.
P.H