Đến năm 2050, Đồng Nai có hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tự chủ

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 26/02/2025 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ký kết xây dựng Trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn tại trường Đại học Lạc Hồng

Theo đánh giá của UBND tỉnh, ngành công nghiệp bán dẫn của Đồng Nai chưa hình thành rõ nét, chưa có công nghiệp bán dẫn thuần túy mà chủ yếu là công nghiệp điện tử, cơ khí điện tử, hỗ trợ cho công nghiệp bán dẫn. Hàm lượng công nghiệp bán dẫn trong công nghiệp điện tử, cơ khí điện tử và các lĩnh vực khác rất thấp. Đồng Nai cũng chưa có trung tâm đào tạo, R&D, vườn ươm doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp cho phát triển công nghiệp bán dẫn.

Dựa trên những điều kiện thuận lợi của tỉnh, Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với hạt nhân là Khu Công nghệ thông tin tập trung Long Thành có đủ năng lực tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam. Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai có hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tự chủ với Khu Công nghệ thông tin tập trung Long Thành trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh.

Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tập trung thực hiện gồm:

Hoàn thiện cơ chế, chính sách: Rà soát, bổ sung và thoàn hiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với phát triển công nghiệp bán dẫn tỉnh, đảm bảo tính cạnh tranh và thu hút đầu tư; Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn trên địa bàn tỉnh.

Thu hút đầu tư: Thu hút đầu tư có chọn lọc vào Khu Công nghệ thông tin tập trung Long Thành, khu công nghệ cao, khu đổi mới sáng tạo và các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đối với ngành công nghiệp bán dẫn, ưu tiên các lĩnh vực như: thiết kế, đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; cảm biến, thiết bị IoT với công nghệ NEMS; ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn fabless, doanh nghiệp sản xuất chip chuyên dụng MEMS, chip IoT; tổ chức hội nghị, hội thảo, xúc tiến đầu tư; tuyên truyền thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.

Phát triển hạ tầng và hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn: triển khai dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung Long Thành; Hình thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh; Hình thành vườn ươm doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh; Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh phục vụ cho công nghiệp bán dẫn.

Phát triển nguồn nhân lực: Hướng dẫn các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; Xây dựng và tổ chức triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng phân công các cơ quan, đơn vị hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; Hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bán dẫn, điện tử trên địa bàn; Thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; Hướng dẫn quy định khai thác, xử lý chất thải độc hại trong quá trình khai thác tài nguyên, sản xuất bán dẫn, điện tử trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn cho môi trường.

P.Hương