Là khẳng định của đại diện lãnh đạo Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tại hội thảo trực tuyến “Kết nối công nghệ với sản xuất để kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ” do Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trực tuyến mới đây. Hội nghị nhằm mục đích xây dựng chuỗi kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại hóa sản phẩm giữa các nhà nghiên cứu khoa học nữ với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Các đại biểu nữ thí thức tỉnh Đồng Nai trao đổi trước khi diễn ra hội nghị
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam nhấn mạnh thêm, phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ luôn luôn là động lực thúc đẩy sản xuất, phát triển xã hội trên mọi lĩnh vực. Điều này thể hiện rõ nhất trong đợt đại dịch do Covid-19 gây ra vừa qua. Nhiều nghiên cứu khoa học đã ứng dụng để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trong đó có không ít nghiên cứu của các nhà khoa học nữ. Điển hình như nghiên cứu về virut Corona ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát của tập thể khoa học nữ Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã giúp Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus Corona mới. Từ nền tảng của nghiên cứu này, các phương pháp xét nghiệm Covid-19 và chế tạo vaccine ngừa nCoV trong nước đã được triển khai nhanh chóng, giúp Việt Nam sớm khống chế, kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan rộng ra cộng đồng…
Còn theo bà Nguyễn Kim Lan, quản lý chương trình WeEmpower Asia – UN WOMEN tại Việt Nam bày tỏ, trở ngại lớn nhất trong quá trình khởi nghiệp đối với phụ nữ là cơ hội tài chính, định kiến giới về vai trò của phụ nữ trong cuộc sống, xã hội… Nhiều phụ nữ phải hoàn thành vai trò trong gia đình: người vợ, người mẹ nên không còn thời gian dành cho hoạt động xã hội, việc làm, nhất là lĩnh vực khó đòi hỏi nhiều thời gian, công sức như khởi nghiệp. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện nay chỉ chiếm khoảng 26,5% tổng số doanh nghiệp cả nước trong đó đa phần (với 93,6%) là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 79% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thuộc lĩnh vực dịch vụ, 62,7% doanh nghiệp nữ có bằng cử nhân trở lên.
Đại biểu tham dự hội nghị tại Đồng Nai.
Do đó, để hỗ trợ phụ nữ vươn lên khởi nghiệp, vấn đề quan trọng là trao quyền nhiều hơn để giúp phụ nữ chủ động giải quyết vấn đề, vươn lên khởi nghiệp. Theo bà Kim Lan, có 7 nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ, gồm: lãnh đạo cam kết thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới; thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc như trả lương bằng nhau, cơ hội thăng tiến; đảm bảo sức khỏe và an toàn cho lãnh đạo nữ; giáo dục và đào tạo; bình đẳng giới trong phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ; bình đẳng giới trong sáng kiến cộng đồng; thực hiện tốt báo cáo hằng năm về vấn đề này.
Để hỗ trợ phụ nữ về mọi mặt trong đó có khởi nghiệp, UN WOMEN đã triển khai nhiều nội dung chương trình trong năm 2020, trong đó có việc phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước rà soát các văn bản pháp luật, sửa đổi các điều khoản chính sách hỗ trợ cho phụ nữ; bên cạnh đó đánh giá nhu cầu đào tạo cho doanh nghiệp nữ và hỗ trợ xây dựng hệ thống kết nối maketting, kết nối công nghệ tới các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ… Đến nay, chương trình đã hỗ trợ hơn 300 cá nhân, chủ doanh nghiệp, bà Nguyễn Kim Lan cho biết thêm.
Tại hội thảo, nhiều nữ doanh nghiệp cho rằng, khó khăn lớn nhất tiếp cận với nghiên cứu khoa học là thiếu kênh thông tin về đề tài/dự án đã nghiên cứu hoàn thành; nhà khoa học chào giá quá cao, vượt khả năng của doanh nghiệp… Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch danh dự Hội Nữ trí thức Việt Nam cho rằng, vấn đề cần nhất hiện nay để kết nối hiệu quả giữa nghiên cứu với thương mại hóa sản phẩm chính là xây dựng được sàn giao dịch tri thức, ở đó có nguồn dữ liệu phong phú về thông tin số lượng đề tài/dự án đã nghiên cứu của các viện, trường, trung tâm trong cả nước. Nhu cầu kết nối giữa doanh nghiệp và nhà khoa học vô cùng lớn nhưng lại thiếu địa chỉ kết nối để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học. Sàn giao dịch được xây dựng cơ sở dữ liệu phong phú, cập nhật kịp thời, công khai minh bạch và chào giá cạnh tranh sẽ tránh tình trạng doanh nghiệp không biết tìm nguồn sản phẩm đã nghiên cứu nghiên cứu thành công trong khi nhiều nhà khoa học có sản phẩm nghiên cứu không biết bán cho ai hoặc chào giá quá cao, vượt ngoài khả năng tiếp cận của doanh nghiệp có nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, ngoài vai trò của nhà nước trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực vận hành tốt sàn giao dịch, đối với các chủ doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng cần chủ động tự nâng cao năng lực điều hành, tiếp cận công nghệ, tri thức mới. Hội Nữ trí thức và Trung ương Hội LHPN Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình ký kết, phối hợp chương trình hỗ trợ phụ nữ nâng cao khả năng điều hành, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh cũng như kết nối với nhà khoa học để có nhiều hơn sản phẩm nghiên cứu đưa ra ứng dụng trong cộng đồng.
Đỗ Quyên