Với mục đích tham quan, trao đổi và học tập kinh nghiệm mô hình đổi mới sáng tạo, đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai đã có chuyến học tập tại quốc đảo Singapore trong 3 ngày (từ ngày 27/9/2023 đến ngày 29/9/2023).
Đoàn công tác gồm 07 cán bộ công chức do Ông Lại Thế Thông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai làm trưởng đoàn; Bà Nguyễn Thị Hồng Trang, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Phó trưởng đoàn.
Đoàn đã có các buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore; Làm việc với Trung tâm Thiết kế Quốc gia Nation Design Center; Khảo sát thực tế tại Khu tài chính Singapore; Khảo sát thực tế tại Thư viện quốc gia Singapore; Làm việc với Trường Đại học quốc gia Singapore; Khảo sát về phát triển công nghiệp công nghệ cao tại khu One -North; Khảo sát khu vực ngoại ô Singapore (Heartlands) tại Punggol; Làm việc với Trung tâm đổi mới sáng tạo Block-71.
* Làm việc với Trung tâm Thiết kế Quốc gia Nation Design Center
Trung tâm Thiết kế Quốc gia (National Design Centre – NDC) tọa lạc trong khu đất có tuổi đời 120 năm vốn trước đây là St. Anthony’s Convent (Tu Viện Thánh Anthony). Sự phát triển của NDC bao gồm công tác phục hồi và tái sử dụng có điều chỉnh những tòa nhà được bảo tồn trong đó có ba khu nhà mang phong cách Art Deco thời tiền chiến và một khu nhà mang phong cách hiện đại thời hậu chiến.
Trung tâm Thiết kế Quốc gia thực chất cũng là một trung tâm đổi mới sáng tạo do Nhà nước thành lập, nơi là điểm hội tụ, kết nối, gặp gỡ trao đổi, hợp tác phát triển ý tưởng của các nhà thiết kế, doanh nghiệp, sinh viên…với sự hỗ trợ mang tính chiến lược quốc gia từ cung cấp hỗ trợ mặt bằng văn phòng, các tiện ích của trung tâm, triển lãm nhằm mục tiêu tạo ra các sản phẩm mang dấu ấn thương hiệu Singapore. Các ý tưởng, mô hình được ươm tạo tại đây sẽ được các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khởi nghiệp. Từ năm 2003, Hội đồng Design Singapore (Dsg) đã đưa thiết kế vào đời sống, học tập, làm việc và vui chơi – trao quyền cho các doanh nghiệp, nuôi dưỡng nhân tài và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Các dự án được Hội đồng thông qua và hỗ trợ kết nối các nguồn lực từ tài chính, thương mại, thủ tục hành chính…khả năng thành công hầu như đạt 100%.
Đây cũng là tâm điểm của tất cả mọi hoạt động liên quan đến thiết kế, từ thiết kế dân dụng, mỹ thuật, giải trí đến thiết kế công nghiệp. Tại đây chuyên tổ chức các buổi triển lãm, sự kiện và chương trình về thiết kế. Trung tâm Thiết kế Quốc gia cũng là trụ sở của Design Singapore Council (Hội đồng Thiết kế Singapore), một cơ quan quốc gia về lĩnh vực thiết kế. Hội đồng chịu trách nhiệm phát triển lĩnh vực thiết kế, và hỗ trợ Singapore sử dụng thiết kế để đổi mới và phát triển. Qua buổi thăm quan tại Trung tâm Thiết kế Quốc gia, thành viên Đoàn hiểu quá trình vận động và đóng góp của thiết kế đô thị vào nền kinh tế và sự phát triển của Singapore. Hiểu cách thiết kế đô thị có sự tích hợp và gắn kết với lực lượng lao động, doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng của Singapore.
* Làm việc với Trung tâm đổi mới sáng tạo Block-71
Block-71 là trái tim của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Singapore và hệ sinh thái kinh doanh chặt chẽ nhất thế giới. Block-71 đã xây dựng một cộng đồng đổi mới và khởi nghiệp mạnh mẽ, nơi các doanh nhân, nhà đầu tư, nhà phát triển và cố vấn trong không gian truyền thông kỹ thuật số tương tác ở gần nhau. Block-71 là nơi có hơn 100 công ty khởi nghiệp, công ty đầu tư mạo hiểm và vườn ươm công nghệ. Nó cũng nằm gần các trung tâm công nghệ khác ở Singapore, bao gồm Fusionopolis, Biopolis và Đại học quốc gia Singapore (NUS).
Block-71 được thành lập và quản lý từ năm 2011 bởi NUS Enterprise, Cơ quan Phát triển Truyền thông và SingTel Innov8 như một trung tâm khởi nghiệp tại Block 71, được gọi là Plug-In@Blk71. Từ năm 2011, một cộng đồng khởi nghiệp mạnh mẽ đã được thành lập tại Plug-In@Blk71, nơi mọi người thường xuyên chia sẻ liên hệ, ý tưởng và câu chuyện thành công, điều này đã cho phép bối cảnh khởi nghiệp phát triển nhanh chóng. Các công ty khởi nghiệp được cấp quyền truy cập 24 giờ vào Plug-In@Blk71, cũng như được hưởng các chương trình ươm tạo hỗ trợ, sử dụng các tài nguyên được chia sẻ, bao gồm phòng họp, phòng hội thảo lớn, truy cập internet miễn phí, đồ dùng đựng thức ăn và thiết bị văn phòng để phát triển và tiếp thị hiệu quả các giải pháp của họ. Đầu năm 2015, Infocomm Investment, chi nhánh đầu tư của Cơ quan Phát triển Infocomm của Singapore đã khánh thành việc mở rộng Blk71 sang các block mang số từ 71-83 lân cận (được mệnh danh là BASH cho xây dựng các công ty khởi nghiệp), cũng là các block nhà của một khu công nghiệp được xây dựng mới hoặc tân trang lại.
Block – 71 cung cấp một nền tảng chung cho các doanh nhân và các bên liên quan gặp gỡ, kết nối và thúc đẩy sự phát triển của các ý tưởng và khởi nghiệp. Các sự kiện kinh doanh thường xuyên được tổ chức tại Plug-In@Blk71 cho cộng đồng doanh nhân. Có khoảng 3-5 sự kiện được tổ chức mỗi tuần bao gồm các buổi cố vấn, phòng khám kinh doanh, buổi thuyết trình, hội thảo chia sẻ công nghiệp và các sự kiện kết nối.
Các công ty có trụ sở tại Blk71 thường là các công ty khởi nghiệp công nghệ. Phần lớn trong số họ nằm trong không gian truyền thông kỹ thuật số tương tác, bao gồm Stream Media, phát triển nền tảng thanh toán trong ứng dụng di động, travelmob, cung cấp thị trường trực tuyến cho thuê kỳ nghỉ trên khắp châu Á, Daylight Studios, nhà phát triển trò chơi di động và Appknox, một công ty bảo mật di động. Tuy nhiên, cũng có một vài công ty công nghệ phần cứng, chẳng hạn như Zimplistic, đang phát triển nhà sản xuất roti tự động đầu tiên trên thế giới và T.Ware, đang phát triển một công nghệ đeo được cung cấp áp lực sâu để làm dịu trẻ tự kỷ.
Có khoảng 30 tổ chức đặt tại Blk71 cung cấp một loạt các khoản tài trợ và hỗ trợ bằng hiện vật, bao gồm đầu tư thiên thần, tài trợ hạt giống, series A, B và hơn thế nữa. Chúng bao gồm NUS Enterprise (quản lý Plug-In@Blk71 cũng như có thêm không gian ươm tạo ở cấp độ 1 và 3) và JFDI.
Ngoài ra, Block – 71 còn tích hợp các tổ chức như Pier-71 của Chính phủ về Logistics…về bảo mật thông tin mạng để khuyến khích sự sáng tạo của cộng đồng hiến kế giải pháp cho Chính phủ về phát triển Logistics – kinh tế lõi của Singapore thông qua các cuộc thi (challenge) ý tưởng.
* Làm việc với Trường Đại học quốc gia Singapore
Đại học quốc gia Singapore (NUS) là 1 trong 7 đại học công lập của đảo quốc sư tử và là trường đại học đầu tiên của Singapore sau khi tách khỏi Malaysia. Đại học quốc gia Singapore hiện đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng các Trường đại học danh tiếng thế giới và nhiều danh hiệu uy tín hàng đầu thế giới trong giáo dục.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được nhà trường triển khai từ rất sớm, cũng như việc thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Block-71 từ năm 2011. Tiêu chí của nhà trường, sinh viên được đào tạo dù ở bất cứ chuyên ngành nào, bậc học nào cũng đều được đào tạo kiến thức về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xem đây là cơ sở căn bản cho hoạt động nghiên cứu, học tập. Mỗi sinh viên được trang bị và tự trải nghiệm bản thân, kiến thiết/thiết kế cho mình một hình mẫu mà mình hướng đến với sự sáng tạo và tôn trọng sự khác biệt. Mỗi người đều là một nhân tài của đất nước, vấn đề là bạn muốn làm gì và làm như thế nào. Nhà trường luôn tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên phát triển khả năng của mình.
Đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với những kết quả hơn 600 chứng nhận sở hữu trí tuệ, hơn 3.500 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, hơn 300 sáng chế…được hỗ trợ đào tạo các kỹ năng và kết nối với các nguồn hỗ trợ từ chính phủ, doanh nghiệp, các cựu sinh viên, các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Tỷ lệ thành công khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự hỗ trợ từ nhà trường đạt trên 70% và số 30% còn lại vẫn đang tiếp tục hỗ trợ để phát triển.
Việc thành lập Block-71 và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đại học quốc gia Singapore đánh dấu sự quyết tâm, kiên trì và sáng tạo của lãnh đạo Đại học quốc gia Singapore trong thực hiện chủ trương, chính sách của chính phủ Singapore.
Ngoài các buổi làm việc, Đoàn còn đến khảo sát, tham quan thực tế Khu tài chính Singapore; Thư viện quốc gia Singapore; Khảo sát về phát triển công nghiệp công nghệ cao tại khu One -North; Khảo sát khu vực ngoại ô Singapore (Heartlands) tại Punggol.
* Bài học cho tỉnh Đồng Nai
Là một đảo quốc nhỏ nhưng Singapore luôn được xếp trong danh sách những quốc gia sáng tạo nhất với các chỉ số thúc đẩy khởi nghiệp đứng đầu thế giới và sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động bậc nhất. Để đạt được thành tựu đó, Singapore đã có các giải pháp mang tính chất đồng bộ của Chính phủ, nhà trường và doanh nghiệp. Ngoài chính sách tốt của Chính phủ thì doanh nghiệp và các trường đại học cũng xem việc thúc đẩy khởi nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong sứ mạng của mình.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp năng động, có nhiều lợi thế trong phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, Đồng Nai cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý cho hoạt động đổi mới sáng tạo; xây dựng chiến lược đổi mới sáng tạo theo từng giai đoạn với các mục tiêu cụ thể trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học trên địa bàn tỉnh là chủ thể nghiên cứu. Nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ của các cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ liên ngành về công nghệ thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ hàng năm của tỉnh.
Tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa các Cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ ở cấp tỉnh mà diễn ra ở tất cả các huyện đặc biệt là các trường đại học trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng; tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng để phát triển thành doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngành giáo dục đào tạo tiếp tục nghiên cứu đưa chủ đề đổi mới sáng tạo vào chương trình giáo dục trước mắt là giáo dục đại học nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo nền móng vững chắc cho khởi nghiệp thành công.
Hội đồng điều phối cần đẩy mạnh liên kết với mạng lưới các chuyên gia, cố vấn, mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm, các Quỹ đầu tư khởi nghiệp trong nước và quốc tế để thu hút và huy động nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến trong đó cần quan tâm và ưu tiên hợp tác với các tổ chức khoa học công nghệ có thế mạnh trên các lãnh vực như: Công nghệ in 3D, công nghệ Smart Manfucturing, công nghệ Blockchain, công nghệ AI… Chủ động nghiên cứu, cập nhật các xu hướng phát triển của thế giới, đồng thời thúc đẩy hoạt động học tập kinh nghiệm, hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia nhằm trao đổi, chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm, bài học thực tiễn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để vận dụng phù hợp với điều kiện của tỉnh; thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài về phục vụ cho tỉnh.
Sơn Hà – Lê Huế