Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề cập đến trong chỉ thị 09/CT-UBND về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Nhiều chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước đã nhận định, xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay. Sự hình thành của rất nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ đang là dấu hiệu ảnh hưởng rất tích cực tới nền nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai.
Lá farm là tâm huyết của người mẹ trẻ – chị Bùi Thị Thủy (huyện Vĩnh Cửu) muốn con mình có một cuộc sống bình an, mỗi buổi chiều chúng chơi đùa bên vườn cây của mẹ, để chúng được tắm mát bởi cây cỏ quanh nhà , để trái tim biết yêu thương , sẽ chia và hạnh phúc. Lá farm là một khu vườn thảo dược gồm các loại cây rất quen thuộc với người Việt như sả, hương nhu, ngải cứu, trầu không, bạc hà, … được chủ nhân chăm sóc rất tỉ mỉ và cẩn thận. Đất được cải tạo bằng bã mía tạo ra hệ sinh thái đa dạng cho đất; nói không với thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ, cỏ được nhổ hoàn toàn bằng tay, sử dụng các loại phân hữu cơ bón cho cây nhằm tăng cường độ ổn định của đất. Những bước đi đầu tiên của Lá farm đầy khó khăn và chông gai, và Lá vẫn luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những khách hàng thân thương. Chị Thủy chia sẻ ước muốn “Tạo ra bánh xà phòng thảo dược quanh vườn, góp một phần nhỏ , bảo vệ môi trường, và góp phần chăm sóc, bảo vệ làn da cho gia đình của mỗi người dân Việt Nam từ chính cây cỏ truyền thống đất nước mình”.
Anh Lý Minh Hùng – Giám đốc HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình chia sẻ: khởi nghiệp là triển khai dự án mang lại lợi ích cho xã hội, trong đó nông nghiệp hữu cơ là một xu hướng tất yếu, để tồn tại thì bắt buộc phải thay đổi phương thức canh tác, thay đổi tư duy của người dân về sản xuất canh tác, cần chú trọng vào chất lượng hơn là chạy theo số lượng và giá cả thị trường. Tuy nhiên hiên nay các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra của sản phẩm, tiền vốn, công tác kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm, người tiêu dùng chưa thật sự yên tâm, tin tưởng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Cần có các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững, tiến tới nhân rộng các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ.
Với anh Sang (huyện Trảng Bom), khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, tài chính, nhân sự và lòng kiên trì. Mong muốn của anh là phát triển mô hình Aquaponics thành vườn nông nghiệp hữu cơ ngay tại các khu dân cư, để có thể cung cấp các sản phẩm rau củ quả, thủy sản tại vườn.
Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 09/CT-UBND về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Để cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ một số nội dung, giải pháp sau: Tích cực cải thiện các chỉ tiêu về môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp phát triển. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp, khuyến khích thành lập và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp tại địa phương, có kế hoạch mời gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực khoa học công nghệ và tài chính để đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh; Thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác vận động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện Chỉ thị 09, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh triển khai chương trình và chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ tiêu thụ thông qua các kênh phân phối; phát triển thị trường nông sản sạch, nông sản an toàn; phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu nông sản…; Đề xuất các đề tài, dự án khoa học công nghệ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất phân bón hữu cơ; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để nâng cao năng xuất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ cũng như chế biến các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, sản xuất hữu cơ đã trở thành xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, đây được coi là hướng đi bền vững để góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất…Tận dụng những lợi thế vốn có và sự quan tâm của các cấp chính quyền về tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, đây sẽ là cơ hội rộng mở cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ cất cánh, tiến tới đưa nông sản Đồng Nai đến các thị trường lớn, giàu tiềm năng trong và ngoài nước.
Kim Ngân