Thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hiền cho biết, năm 2020, các cấp bộ Đoàn đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức khởi nghiệp; tổ chức nhiều cuộc thi về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp…

Nhiều thanh niên đã mạnh dạn khởi nghiệp

* Đa dạng các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

Theo báo cáo của Tỉnh đoàn Đồng Nai, năm 2020, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên giai đoạn 2018 – 2022”, tập trung những vấn đề xã hội mà thanh niên đang quan tâm hiện nay như: tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên;

Toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 78.332 lượt thanh thiếu niên, giới thiệu việc làm cho 9.397 thanh niên, trong đó trên 6.816 người có việc làm. Cấp tỉnh tổ chức Cuộc thi “Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với chương trình OCOP”; tổ chức Lớp tập huấn “Khởi nghiệp từ chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP”; Ngày hội “Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp”; Diễn đàn “Thanh niên nông thôn khởi nghiệp” đối thoại với lãnh đạo các sở ngành về khởi nghiệp và tuyên dương 13 tập thể và 39 cá nhân điển hình xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh năm 2020; Tổ chức 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp cho đoàn viên, thanh niên.

Đặc biệt, Tỉnh đoàn đã tổ chức trao vốn Quỹ “Đồng hành với thanh niên tỉnh Đồng Nai” cho 03 đoàn viên khởi nghiệp với tổng số tiền 75 triệu đồng. Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội duy trì 199 tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn thanh niên quản lý với tổng số tiền dư nợ 243.220 triệu đồng cho 9.136 hộ vay vốn; phối hợp với Quỹ tín dụng CEP, Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự” tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên, thanh niên hoàn lương vay vốn. Một số mô hình khởi nghiệp được thực hiện thành công từ nguồn vốn vay đã tạo điều kiện cho thanh niên tham gia phát triển kinh tế.

Đoàn cấp cơ sở cũng tiếp tục duy trì thường xuyên phong trào giúp nhau làm kinh tế với nhiều hoạt động như: vần đổi công, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, tham quan, học tập kinh nghiệm, giúp đỡ kỹ thuật các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.

Tổ chức diễn đàn thanh niên nông thôn khởi nghiệp năm 2020

* Mạnh dạn khởi nghiệp

Với sự đồng hành, hỗ trợ của Đoàn, cộng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp.

Bản thân là phụ nữ đã có gia đình, có con nhỏ, mỗi khi Tết đến là tất bật với việc dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc, chuẩn bị các món ăn trong những ngày Tết. Từ đó, chị Bùi Thị Khánh Linh, ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) nghĩ đến việc cung cấp những sản phẩm phục vụ Tết như: mứt dừa ngũ sắc, thịt khô, các loại hạt… Với mứt và các loại thịt khô sẽ do chính tay chị làm không sử dụng phẩm màu, phụ gia, chất bảo quản; các loại hạt được chị lấy tận xưởng, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ nên được khách hàng ủng hộ nhiệt tình.

Mới đây, chị Linh đã phối hợp với chị Trần Thị Thắm và anh Phạm Văn Ngọc (cùng làm việc tại Thành đoàn Biên Hòa) cho ra đời sản phẩm chà bông từ cá sông các loại. Với ưu điểm không phụ gia, không chất tạo ngọt, không chất bảo quản, sản phẩm vừa có mặt trên thị trường đã thu hút sự quan tâm của các mẹ bỉm sữa, nội trợ. Hiện tại, bình quân mỗi tháng nhóm của chị Linh cung cấp cho thị trường khoảng 20kg chà bông cá, với giá thành 500 ngàn đồng/kg.

Nhiều mô hình khởi nghiệp được thực hiện thành công từ nguồn vốn vay

Tốt nghiệp ngành Thú y Trường trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM, lại có kinh nghiệm gần 10 năm làm việc ở trại chăn nuôi rồi trạm thú y xã, nên năm 2017, anh Lê Phi Long (ở xã Bình Sơn, H.Long Thành) đã cùng với một người bà con chăn nuôi gà thịt với mức thu nhập bình quân 40 triệu đồng/tháng. Sau đó, anh Long tìm hiểu và mạnh dạn thử nghiệm mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học. So với nuôi gà bằng phương pháp thông thường, nuôi gà an toàn sinh học không sử dụng kháng sinh mà chủ yếu sử dụng thảo dược để phòng và trị bệnh cho gà. Lần đầu tiên nuôi chưa quen nên 1 ngàn con gà chết gần hết khiến anh Long lỗ vốn. Không từ bỏ, anh tiếp tục thử nghiệm nhưng với số lượng chỉ 500 con và lần này anh đã thành công.

Chị Nguyễn Thanh Hiền cho hay, giúp đoàn viên, thanh niên vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà mà không phải tha hương, từ đó có điều kiện tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại địa phương là mục tiêu mà tổ chức Đoàn các cấp luôn hướng đến.

P.Hương