Vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đồng Nai, Hội phụ nữ các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch …đã phối hợp cùng với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” năm 2023.
Tập huấn khởi nghiệp cho phụ nữ các huyện
Tham gia chương trình tập huấn, chị em phụ nữ quan tâm đến các vấn đề khởi nghiệp ở các huyện đã được TS. Nguyễn Văn Tân – Thành viên Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (VSMA); Thành viên Ban chấp hành Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp khu vực phía Nam; Thành viên Hội đồng điều phối và hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai; Thành viên CLB Phụ nữ Khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai chia sẻ các kiến thức về khởi nghiệp như: Khởi nghiệp là như thế nào, khởi nghiệp truyền thống và tinh gọn, đổi mới sáng tạo – sự khác biệt, điểm mới và cả phương pháp vận hành. Bên cạnh đó, việc phụ nữ tham gia khởi nghiệp còn nhiều khó khăn, rào cản, cũng nhưng những thách thức trong cuộc sống, vậy giải pháp nào để vượt qua được những khó khăn thách thức ấy để khởi nghiệp thành công; Những nguyên nhân nào khiến khởi nghiệp bị thất bại, các bước khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp và cách chúng ta tiếp cận với khởi nghiệp, cách sử dụng bản đồ công cộng, nhìn ra được sự cần thiết, nhu cầu của xã hội, tìm ra những phương pháp, những đổi mới phù hợp với thị trường….
Chương trình tập huấn cùng giành nhiều thời gian để chị em phụ nữ cùng thảo luận, thực hành, chia sẻ những dự án của riêng mình, những hạn chế, khó khăn cũng như kỳ vọng về dự án khởi nghiệp của mình.
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/6/2017 với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Phấn đấu đến năm 2025 đạt được các mục tiêu sau: 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; Hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; Phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Phụ nữ tham gia thực hành nhóm tại chương trình tập huấn
Đề án giành cho các đối tượng là phụ nữ, trong đó quan tâm hỗ trợ với phụ nữ có ý tưởng, có nhu cầu khởi nghiệp, các tổ hợp tác/hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp.
Đề án tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chính như: Tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế; Xây dựng và duy trì chuyên mục về phụ nữ khởi nghiệp trên trang thông tin điện tử của Hội, trên Báo Phụ nữ Việt Nam; Xây dựng các mô hình thí điểm tuyên truyền tại cộng đồng ở 10 tỉnh đại diện cho vùng miền, tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.
Trình bày về dự án khởi nghiệp của mình
Hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp. Tổ chức Ngày Phụ nữ Khởi nghiệp tại các cấp Hội Phụ nữ. Lựa chọn các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ thực hiện, nhân rộng. Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội thông qua thiết lập cơ sở hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội. Nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách luật pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực thực hiện Đề án.
Thảo Quế