Trước vấn nạn thực phẩm bẩn đang hoành hành, nông sản sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Điều đó đang mở ra cơ hội khởi nghiệp trong nông nghiệp, đặc biệt là startup nông nghiệp sạch, hữu cơ, chất lượng cao. Hiện nay có khá nhiều startup trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cung cấp giải pháp trồng rau sạch cho các hộ gia đình, đưa thực phẩm sạch ra thị trường có nguồn gốc rõ ràng… được nhân rộng và thị trường ủng hộ. Đây được coi là lĩnh vực giàu tiềm năng, tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, startup nông nghiệp sạch cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Động lực chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Nai là xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa bền vững để qua đó ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất gắn với đào tạo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đồng thời coi trọng việc xây dựng kinh tế trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp và kinh tế hợp tác theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hợp tác liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa một cách bền vững. Đó cũng chính là cơ hội và thách thức khi quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Đồng Nai.
Những mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp tại Đồng Nai
Thời gian qua, có nhiều mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Những thành công mà họ đạt được đã góp phần mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Một điển hình về nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Biên Hòa là mô hình rau thủy canh Nhiệt Đới Farm của ông Cao Chu Tuấn (45 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Bản thân ông Tuấn là một người xuất than từ ngành xây dựng, đam mê với công nghệ, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, đầu năm 2017, ông Tuấn quyết định đầu tư trồng rau thủy canh. Do chi phí chuyển giao công nghệ quá cao nên ông Tuấn tự mình tìm hiểu kỹ thuật trồng. Sau thời gian đầu vừa tự mày mò, học hỏi những người đi trước vừa thử nghiệm các công nghệ, ông Tuấn đã xây dựng khu nhà kính trồng rau có diện tích 3 ngàn m2 với hệ thống quản lý vườn rau, tưới tự động tiết kiệm nhập khẩu từ Israel, kết hợp với nhà mành lưới để trồng. Đến nay toàn bộ chi phí đầu tư cho vườn rau của ông vào khoảng 5 tỷ đồng. Theo ông Cao Chu Tuấn, dù vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng việc xoay vòng vốn khi trồng rau thủy canh lại dễ và liên tục vì thời gian cho rau thành phẩm nhanh. Đặc biệt, sản lượng rau thu được trên cùng diện tích đất sử dụng cao hơn nhiều so với cách trồng truyền thống. Mô hình trồng rau thủy canh này phù hợp với các gia đình sống ở đô thị vì không cần nhiều đất vẫn có nguồn rau sạch phục vụ nhu cầu hằng ngày. Hiện ông Tuấn cũng phát triển mô hình, lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh cho các hộ gia đình. Theo đó, chi phí cho một hệ thống trồng rau thủy canh quy mô từ 10-20m2 do ông Tuấn lắp đặt hiện có giá từ 12-24 triệu đồng, sản lượng rau có thể đáp ứng cho nhu cầu của một gia đình khoảng 4-5 người. “Bên cạnh việc tái đầu tư cho mô hình, thời gian tới, tôi còn tiếp tục nghiên cứu xây dựng thêm mô hình nuôi cá kết hợp vườn rau thủy canh nhằm hướng tới phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nông trại với tên gọi Nhiệt Đới Farm dành cho thiếu nhi và những người trẻ thích tìm hiểu về nông nghiệp” – ông Tuấn chia sẻ thêm.
Anh Tuấn giới thiệu vườn rau thủy canh (ảnh nhân vật cung cấp)
Khác với ông Tuấn tập trung phát triển mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao, chị Nguyễn Thị Kim Anh lại khởi nghiệp phát triển một sản phẩm dầu gội thảo dược gắn với các nguồn liệu sẵn có tại địa phương. Bản thân là một kỹ sư Hóa, chị Kim Anh luôn trăn trở rất nhiều suy nghĩ để có thể vừa giúp bản thân và gia đình có tiềm lực kinh tế vừa giúp đươc cho những người xung quanh. Những điều đó luôn canh cánh trong suy nghĩ, đến khi hình thành ý tưởng: triển khai thành công xưởng sản xuất dầu gội thảo dược NHIÊN – kết hợp của 15 loại thảo mộc: bồ kết, hà thủ ô, lá sả, ổi, chanh, cây tần dày lá, lá mần trầu, hương nhu tía, vỏ bưởi, tinh dầu bưởi, cây nhọ nồi, bồ hòn, …Với công thức này, tính năng của dầu gội về trị gầu và giảm tóc rụng là điểm mạnh để đap ứng nhu cầu hiện nay (tóc rụng do sử dụng hóa chất nhiều). Từ thuận lợi đó, ban đầu dự án triển khai ở hình thức handmade, thông qua các kênh bán hàng online. Với cách này thực hiện trong 8 tháng (từ 2/2017) đã nhận được phản hồi rất tốt từ người dùng. Tiếp đến với các đơn hàng ngày càng nhiều, chất lượng của sản phẩm được nhiều người biết đến, đã có một số khách hàng đặt hàng với số lượng lớn dưới hình thức gia công sản phẩm theo yêu cầu. Hiên nay, doanh thu 300 triệu đồng/tháng; tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương trên địa bàn phường An Hòa (thuê công nhân làm thời vụ để nướng và đập bồ kết là 12 người). Tham gia quỹ xã hội đóng góp 3.000 vnd/sản phẩm thực hiện các chương trình vì cộng đồng. Thu mua nguồn nguyên liệu tại địa phương, hiện tại chủ lực là cây dâu tầng lá dày, xả và lá dứa.
Cơ hội và thách thức
Đồng Nai là một tỉnh có ngành công nghiệp rất phát triển, nhưng định hướng phát triển của tỉnh vẫn xác định: Sản xuất nông nghiệp là bộ phận quan trọng trong tổng thể kinh tế – xã hội của tỉnh; do vậy, phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát huy cao độ vai trò của nông dân được xác định là nhiệm vụ chiến lược góp phần tăng trưởng kinh tế, gìn giữ ổn định chính trị, đảm bảo trật tự xã hội và an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái. Vì thế, cơ hội cho khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Đồng Nai rất rõ ràng.
Trước vấn nạn thực phẩm bẩn đang hoành hành, nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo đang trở thành nhu cầu bức thiết. Lượng tiêu thụ đang ngày càng gia tăng, trong khi cung chưa đủ cầu.
Cơ hội xuất khẩu nông sản sạch, an toàn, nông sản hữu cơ ra thị trường thế giới, sân chơi đầy tiềm năng đang được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Nhu cầu thực phẩm hữu cơ trên thị trường thế giới đang rất lớn, mở ra cơ hội xuất khẩu tốt cho các công ty trong nước, cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trong nhừng năm gần đây, lĩnh vực nông nghiệp cũng nhận được nhiều hơn những hỗ trợ từ các cấp chính quyền góp phần thu hút các nhà đầu tư đổ tiền vào nông nghiệp tuy chưa xứng đáng với tiềm năng cũng như đem lại hiệu quả như mong đợi.
Bên cạnh những cơ hội cho các startup nông nghiệp tại Đồng Nai, thì vẫn còn đó một số thách thức đó là:
Những rào cản đang ngăn bước startup nông nghiệp phát triển như thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp, thủ tục hành trình còn rườm rà, chưa có hành làng pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường khởi nghiệp phát triển. Thu nhập của người dân còn thấp và dân trí chưa cao, khiến việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị của nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ gặp không ít khó khăn. Hầu hết người tiêu dùng vẫn có thói quen lâu đời thích đi chợ mua thực phẩm tươi sống như gà, vịt về tự giết mổ với quan niệm như thế sẽ có thực phẩm sạch và an toàn để ăn. Trong khi việc con gà, con vịt được nuôi như thế nào cũng tác động không nhỏ đến chất lượng thực phẩm. Để thay đổi tư duy này không hề đơn giản. Startup nông nghiệp sạch đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, điều kiện vay và nhận hỗ trợ vốn gặp nhiều khó khăn.
Với những cơ hội và thách thức trên, thanh niên tỉnh Đồng Nai có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nên bắt đầu bằng những dự án nhỏ, để tồn tại, tích lũy rồi sau đó mới nghĩ đến việc phát triển mở rộng thị trường, đừng vội nghĩ đến những điều to tát, không phù hợp với điều kiện hiện tại, để rồi lại nản trí trước những khó khăn xuất hiện trong quá trình khởi nghiệp.
Đề xuất một số giải pháp tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức
Hiện nay, đối với các bạn trẻ, việc tạo ra môi trường thuận lợi để thực hiện ý tưởng mới, sáng tạo là điều rất quan trọng. Vì vậy, những quỹ đầu tư sáng tạo và khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hay những chương trình đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp… do tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên triển khai có ý nghĩa rất thiết thực, khích lệ các bạn trẻ tiếp cận tri thức khoa học công nghệ và thúc đẩy các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Anh Nguyễn Cao Cường – Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Nai, cho biết: Thời gian qua, Tỉnh Đoàn đã triển khai các hoạt động tập huấn, nói chuyện chuyên đề về kiến thức, kỹ năng cần có để đoàn viên thanh niên làm chủ cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, tổ chức các lớp tập huấn về khỏi nghiệp, diễn đàn trao đổi về giải pháp khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn, …. Hiện nay, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nhưng cái khó là vấn đề vốn và sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp. Vậy nên nhiều thanh niên không đủ mạnh dạn triển khai những ý tưởng sáng tạo của mình vào thực tiễn. Nắm bắt được vấn đề này, thời gian qua, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã luôn đồng hành với những thanh niên có ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, nhất là trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Qua cuộc thi “Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai”, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh sẵn sàng đầu tư vốn để những ý tưởng sáng tạo của thanh niên sớm đi vào thực tiễn.
Trao giải cho các ý tưởng khởi nghiệp tại cuộc thi Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai
Còn đối với các bạn trẻ tại đô thị, các thành phố lớn muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể chọn lựa các mô hình nông nghiệp đô thị, có ứng dụng kỹ thuật công nghệ. Như mô hình trồng các loại rau nhiệt đới theo hướng thủy canh của anh Tống Văn Tài (thành phố Long Khánh). Sau một quá trình học hỏi kinh nghiệm, anh tài đã đầu tư xây dựng vườn rau với hệ thống nhà màng, hệ thống giàn thủy canh, tưới nước tự động trên phần đất của gia đình với khoảng 1 ngàn m2. Tổng vốn đầu tư ban đầu gần 1 tỷ đồng. Hoặc mô hình trồng rau mầu sạch trên san hô khép kín của ông Hoàng Thông Thái, có thể tận dụng quá trình lọc nước để tái sử dụng, rau được đảm bảo sạch, giòn, ngon. Bên cạnh đó, một số mô hình trồng rau, nấm sạch… còn áp dụng các công nghệ hiện đại như: hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, hệ thống điều khiển nhiệt độ, lượng nước bằng điện thoại thông minh vừa để tiết kiệm chi phí, vừa giúp cho sản phẩm được đảm bảo về chất lượng.
Đối với thanh niên vùng nông thôn, có thể tận dụng đặc điểm, điều kiện tự nhiên thuận lợi của từng vùng miền để phát triển các sản phẩm khởi nghiệp, như giò chả vùng Gia Kiệm, trà Phú Hội có hương vị đặc trưng, cơm rượu, chuối sấy, ….. Một số mô hình khởi nghiệp ban đầu chưa cần vốn nhiều vẫn có thể thực hiện như nuôi gà, vịt, nuôi dê, … Điển hình như mô hình nuôi gà của tổ hợp tác gồm các đoàn viên thanh niên tại huyện Long Thành đã triển khai và hiện nay đưa lại một số hiệu quả nhất định. Hay mô hình trồng rau và trồng đinh lăng dưới tán cây của Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Thiên tại huyện Thống Nhất, mô hình trồng nấm rơm của HTX Vinh Phúc (Vĩnh Cửu), mô hình trồng cây ca cao ở huyện Định Quán, …
Nguyễn Quốc Cường.