Vừa qua Sở Khoa học và Công nghệ và Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện khảo sát cơ sở dữ liệu hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hội viên, nông dân. Thông qua khảo sát hội viên, nông dân đã đề xuất một số nhu cầu tham gia các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến tham gia các lớp tập huấn về Khởi nghiệp, hầu hết hội viên, nông dân quan tâm những nội dung như: cách phát hiện cơ hội sản xuất kinh doanh, cách chọn lọc ý tưởng sản xuất, canh tác phù hợp, tư duy đổi mới sáng tạo, cách thức phát triển sản phẩm mới, phương thức tiếp thị và bán hàng.
Hội viên nông dân mong muốn hỗ trợ về sở hữu trí tuệ thông qua các hoạt đông như: tư vấn tra cứu thông tin, viết bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích đăng ký trong nước, tư vấn nghiên cứu thiết kế cho các kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu đăng ký trong nước, tư vấn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch
Các hoạt động về nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm, nhu cầu cần được hỗ trợ công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tư vấn áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm, hàng hóa như: ISO 9001. ISO 14001, ISO 22000, HACCP, VietGAP, GlobaGAP, chứng nhận hữu cơ, …, tư vấn lập Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, … cho một số sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu.
Hỗ trợ về nghiên cứu đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, thực hiện nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa các sản phẩm từ nông nghiệp, hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ đặc biệt là các công nghệ liên quan đến bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu công nghệ, chuyển giao công nghệ nhằm tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng.
Về quảng bá, tiêu thụ sản phẩm: hội viên, nông dân cần được hỗ trợ tư vấn ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thông tin sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, phiên chợ giới thiệu các đặc sản, sản phẩm làng nghề …
Bên cạnh đó, hội viên, nông dân cũng chia sẻ một số khó khăn khi tiếp cận chính sách, chương trình hỗ trợ của nhà nước như: một số chương trình còn giới hạn về điều kiện hỗ trợ, nguồn vốn hỗ trợ chưa đủ nhiều, thủ tục để nhận được hỗ trợ đôi khi còn rườm rà và phức tạp. Hội viên nông dân cho biết để có thể tiếp cận các thông tin về chính sách, chương trình hỗ trợ, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường nhiều hình thức tuyên truyền và giới thiệu để hiệu quả và dễ tiếp cận như: tăng cường truyền thông trên website, báo, bản tin; Cơ quan nhà nước trực tiếp triển khai chương trình cần có văn bản hướng dẫn cụ thể …
Căn cứ trên dữ liệu thống kê thu được, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tham mưu đề xuất các chương trình, chính sách hỗ trợ hội viên, nông dân khởi nghiệp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
N.T.H