Vừa qua, hơn 40 đại diện là các cán bộ ban ngành, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị nghiên cứu công lập, dưới sự điều phối của Chương trình Phát triển liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam và Trung tâm Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia(NSSC) đã tham gia khóa đào tạo về Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong Khối công thúc đẩy giảm thiểu ô nhiễm nhựa diễn ra 02 ngày 26 – 27/02/2024 tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh (SIHUB).
Hoạt động tại khóa đào tạo
Khóa đào tạo nhằm mục đích nâng cao kiến thức, hiểu biết về vấn đề ô nhiễm nhựa hiện nay; cung cấp và cập nhật một số các công cụ hiệu quả trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các cán bộ thuộc khối công; qua đó những ý tưởng, giải pháp khả thi sẽ được khai phóng và nhân rộng nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa hiệu quả.
Thông tin tại chương trình khóa đào tạo đã cho biết, ô nhiễm nhựa đang là một vấn đề nhức nhối hiện nay tại nước ta. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận có khoảng 3,000 tấn rác nhựa phát sinh mỗi năm từ năm 2022. Một lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm chất thải nhựa, được thu gom bởi khu vực từ bán – phi chính thức (gồm 29 Hợp tác xã độc lập, 3 hiệp hội và nhóm thu gom tự quản khác). Để giảm thiểu rác thải nhựa một cách hiệu quả, cần có sự can thiệp có hệ thống của các cơ quan nhà nước trong việc hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy tất cả các bên và các ngành, từ không chính thức đến chính thức, chuyển những cam kết thành hành động.
Tại hội nghị, đại diện Saigon Innovation Hub đã giới thiệu một số hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo trong khu vực công sẽ triển khai trong năm 2024. Bà cũng mong rằng trong thời gian tới TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhiều chương trình thiết thực từ các đối tác trong và ngoài nước cho khu vực công.
Hơn 40 đại diện là các cán bộ ban ngành, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị nghiên cứu công lập, dưới sự điều phối của Chương trình Phát triển liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam và Trung tâm Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia(NSSC) đã tham gia khóa đào tạo
Khóa đào tạo là một hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Thách thức đổi mới chấm dứt ô nhiễm nhựa” (EPPIC) do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khởi xướng với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Na Uy và Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (Norad) nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm nhựa của các nước ASEAN, cũng như nâng cao năng lực của khối công trong việc hỗ trợ và tăng tốc các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa hiệu quả.
T.Quế