Khởi nghiệp tinh gọn để tiến gần đến thành công

Tận dụng công nghệ giúp tăng lợi thế cạnh tranh

Hajime Hotta là đồng sáng lập tổ chức đầu tư, hỗ trợ start-up công nghệ Innovatube; trưởng ban nghiên cứu khoa học trí tuệ nhân tạo tại Nexus Frontier Tech. Ông có bằng tiến sĩ chuyên ngành công nghệ thông tin, là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học trí tuệ nhân tạo, đã đầu tư vào nhiều start-up như Meete, Beeketing, Lozi…

Chia sẻ kinh nghiệm start-up với các bạn trẻ Việt Nam, ông Hajime Hotta cho rằng, với xu hướng hiện tại, nếu tận dụng các công nghệ như blockchain, trí tuệ nhân tạo hoặc các sản phẩm, dịch vụ thương mại có sử dụng công nghệ nền tảng sẽ là một lợi thế cạnh tranh lớn, thậm chí giúp start-up đủ sức vươn xa trên thế giới. Ngoài ra, khởi nghiệp trong ngành logistics, áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ… cũng có thể là xu hướng, vì thị trường cho các ngành này tại Việt Nam rất lớn.

Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi cho khởi nghiệp. Đó là thị trường rộng, nhiều tiềm năng. Thêm vào đó, dân số đông, sự ổn định về chính trị cũng thu hút các nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm nơi rót vốn.

Ở Thái Lan, các start-up thường thuê nguồn lực bên ngoài để làm sản phẩm, dịch vụ vì thiếu nhân công trong nước. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực chất lượng để có thể thành lập các đội ngũ khởi nghiệp. Đây là các yếu tố thuận lợi cho các start-up. Tuy nhiên, ông Hajime Hotta chờ đợi sự lột xác của các start-up, cách họ trưởng thành và thay đổi theo thời gian nhanh hơn.

Khởi nghiệp tinh gọn ngay từ bước đầu

Ông Hajime Hotta đánh giá, hầu hết start-up Việt đều đang ở giai đoạn đầu khởi nghiệp và gặp phải khá nhiều vấn đề. Họ có ý tưởng khởi nghiệp mang tính sáng tạo trên nhiều lĩnh vực, song lại yếu trong việc lập kế hoạch, vận hành và triển khai. Một số khác lại gặp vấn đề về đội ngũ, kêu gọi vốn hay cạnh tranh với các công ty lớn đã có mặt trên thị trường… 

Theo ông Hajime Hotta, điều đầu tiên các start-up cần thực hiện là khởi nghiệp tinh gọn (Lean start-up). Lý thuyết về khởi nghiệp khá nhiều, thậm chí, đôi khi còn gây nhiễu loạn cho các nhà sáng lập vì những thứ không cần thiết, không phù hợp để áp dụng với tất cả doanh nghiệp.

“Điều các start-up cần là tính thực tiễn, thấu hiểu được thị trường đang vận động như thế nào và cần làm gì. Những người cố vấn và kinh nghiệm chia sẻ từ thực tiễn của họ cũng rất quan trọng”, ông Hajime Hotta nói.

Vậy nên, phương pháp hiệu quả nhất dành cho start-up là tập trung vào việc tung sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất, sau đó đo lường, cải tiến sản phẩm và coi khách hàng là một phần tạo nên sản phẩm. Khi làm ra một sản phẩm, ngoài yếu tố chủ quan là những người sáng lập yêu thích sản phẩm và thấy sản phẩm có khả năng mang lại lợi nhuận, điều cơ bản vẫn phải nhìn từ phía khách hàng và trả lời câu hỏi: sản phẩm có giá trị gì cho khách hàng.

Về vấn đề gọi vốn, theo ông Hajime Hotta, các start-up có nhiều bài học để tiếp thu, nhưng không phải một sớm một chiều, quá trình này có thể mất đến vài năm. Điều khiến ông ấn tượng với các start-up Việt Nam là sự kiên trì. Ở Singapore, khi khởi nghiệp thất bại, dù tỷ lệ này khá nhỏ, start-up có thể dừng lại và trở về làm thuê cho các công ty lớn. Nhưng với các start-up Việt Nam, những thách thức chính là yếu tố tạo nên động lực và hầu hết start-up đều rất nỗ lực cho đến khi đạt được thành công. Ông Hajime Hotta nhấn mạnh, điều tiếp theo họ cần làm là liên tục cải tiến, nhận phản hồi và học hỏi để tạo ra sản phẩm tốt hơn.

Theo Baodautu.vn.