Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức hội nghị khởi động Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, đồng thời phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 nhằm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
Phụ nữ Đồng Nai tham gia các dự án khởi nghiệp tại địa phương
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, các đề án của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội LHPN các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo cho phụ nữ; tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội như xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Vì vậy, việc triển khai các Đề án 01, Đề án 939 không chỉ là nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân.
Để triển khai có hiệu quả Đề án 01, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Trung ương Hội LHPN Việt Nam – cơ quan chủ trì thực hiện đề án chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đề án theo từng giai đoạn, tửng năm; chỉ đạo Hội LHPN các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành kế hoạch thưc hiện đề án phù hợp với đặc thù địa phương. Bộ Kế hoạch & Đầu tư – cơ quan chủ quản chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể cần phối hợp với các Bộ chủ quản các chương trình mục tiêu quốc gia bố trí kinh phí thực hiện Đề án 01, trước mắt là cân đối kinh phí từ ngân sách nhà nước và các chương trình mục tiêu quốc gia bổ sung kinh phí thực hiện Đề án 01 năm 2023; Bộ Tài chính trên cơ sở đề nghị của Hội LHPN Việt Nam, các bộ, ngành, UBND các địa phương cần bố trí kinh phí để thực hiện Đề án 01; quan tâm đến chính sách thuế của khu vực kinh tế tập thể tạo điều kiện cho các HTX do phụ nữ tham gia quan lý và tạo việc làm cho lao động nữ có cơ hội phát triển bền vững. Các bộ, ngành quan tâm cân đối, bố trí kinh phí trong chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện nội dung phát triển kinh tế tập thể; xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhân lực nữ…
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm chỉ đạo xây dựng kế hoạch và sớm triển khai thực hiện đề án; quan tâm bố trí nguồn lực, ưu tiên lồng ghép vào các chương trình, đề án có liên quan nhằm triển khai có hiệu quả đề án.
Trước đó, ngày 3/1/2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01) theo Quyết định số 01/Qđ-TTg,.
Đề án 01 với mục tiêu tổng quát là: Phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX. Nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Đề án cũng đề ra các mục tiêu cụ thể là, đến năm 2025: Củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 750 HTX, 5.000 tổ hợp tác (THT) do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành đã được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 15.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 40.000 lao động nữ trong THT.
100% nữ quản lý của HTX (Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị HTX; Giám đốc, Tổng Giám đốc HTX, thành viên Ban kiểm soát) được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT).
Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 200 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động HTX là nữ); tạo việc làm mới cho 4.000 lao động nữ.
Tập huấn 100% cán bộ Hội làm công tác hỗ trợ phát triển KTTT; ít nhất 80% cán bộ Hội các cấp được nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển KTTT.
Mục tiêu đến năm 2030: Củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 1.500 HTX, 10.000 THT được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 30.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 100.000 lao động nữ trong THT; 100% nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển KTTT.
Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 750 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ.
Tập huấn 100% cán bộ Hội các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển KTTT; ít nhất 90% cán bộ Hội các cấp được nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển KTTT.
Đối tượng của Đề án là: HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành (nữ quản lý, điều hành là Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị HTX; Giám đốc,Tổng Giám đốc HTX, thành viên Ban kiểm soát); HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động HTX là nữ). Ưu tiên các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ chế biến sâu; phát huy ngành nghề truyền thống, khôi phục văn hóa, khai thác tài nguyên bản địa…
Nhiều dự án khởi nghiệp tại Đồng Nai do nữ làm chủ
Nữ quản lý, điều hành của HTX; thành viên, người lao động trong HTX, THT.
Hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển KTTT, ưu tiên phụ nữ tại các vùng khó khăn, miền núi, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật, phụ nữ hoàn lương, phụ nữ là nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, phụ nữ làm công nhân tại các khu công nghiệp bị sa thải vì lý do tuổi tác.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, các tổ chức và cá nhân có liên quan. Thời gian thực hiện: Đến năm 2030, trong đó chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: từ 2022 đến 2025 và giai đoạn 2: từ 2026 đến 2030.
Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” được triển khai thực hiện sẽ góp phần củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế – xã hội của từng địa phương, từng vùng và cả nước. Đồng thời, phát huy sức mạnh nội lực của thành viên trong xây dựng, phát triển các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ.
Phụ nữ Đồng Nai quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp
Đề án cũng ưu tiên phát triển các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ tại các địa phương có vùng sản xuất hàng hóa chuyên sâu, tập trung, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp và trên địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số; HTX ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hỗ trợ các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể; phát triển HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ, kết hợp lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác có liên quan.
T.Quế