Tỉnh ủy Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 433-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển công nghiệp công nghệ số bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với hạt nhân là Khu Công nghệ thông tin tập trung Long Thành; hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số của tỉnh với các công nghệ chiến lược gồm: bán dẫn, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData), điện toán đám mây (Cloud), chuỗi khối (blockchain). Thu hút được ít nhất 1 doanh nghiệp công nghệ số lớn hàng đầu trên thế giới đầu tư và sản xuất.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tỉnh trên 60%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt 35%-37% GRDP, trong đó kinh tế số các ngành, lĩnh vực chiếm 70%. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Khoa học, công nghệ (KHCN), ĐMST, chuyển đổi số (CĐS) đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.
Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GRDP; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm của tỉnh cho phát triển KHCN, ĐMST, CĐS và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST đạt 12 người/vạn dân; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt 8-10%.
Thu hút đầu tư và xây dựng hạ tầng số hiện đại, dung lượng lớn, tốc độ cao. Triển khai hạ tầng IoT từ tỉnh đến xã. Xây dựng đô thị thông minh ở những khu vực có đủ điều kiện…

Thực hiện quản lý nhà nước cơ bản hoàn toàn trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan quan trọng trong hệ thống chính trị; đảm bảo an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu…
Mục tiêu đến năm 2045, quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GRDP. Đồng Nai trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số và phát triển thành Trung tâm số của Việt Nam và của khu vực Đông Nam Á. Thu hút ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn hàng đầu trên thế giới đầu tư và sản xuất. Các doanh nghiệp trong nước tự chủ về công nghệ và đóng vai trò thiết yếu, chiếm ít nhất 40% trong hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số tỉnh.
Để thực hiện đạt các mục tiêu, Kế hoạch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tập trung thực hiện gồm: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển KHCN, ĐMST; Triển khai thực hiện các chính sách, quy định pháp luật mới và đưa ra các chính sách hỗ trợ của tỉnh để tạo lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS; Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS; Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS; Đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp; Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Kế hoạch nêu rõ, người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện. Tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Đề ra các chính sách hỗ trợ của tỉnh để tạo lợi thế cạnh tranh, giải phóng các nguồn lực; cải cách phương thức quản lý, triển khai, cải cách cơ chế quản lý tài chính trong thực hiện nhiệm vụ KHCN; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Nghiên cứu đề xuất thí điểm khu thương mại tự do cho Khu Công nghệ thông tin tập trung Long Thành.
Bố trí ít nhất 15% ngân sách chi sự nghiệp KHCN phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược. Quy hoạch và phát triển hạ tầng năng lượng mới, năng lượng sạch và bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển KHCN và các ngành công nghiệp công nghệ chiến lược của tỉnh. Lấy công nghiệp dữ liệu và công nghiệp bán dẫn là 2 mũi nhọn trong hệ sinh thái công nghệ số tỉnh.
Xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển (R&D) KHCN của tỉnh trên cơ sở mô hình liên kết 4 nhà gồm chính quyền tỉnh, doanh nghiệp ngành công nghiệp, các cơ sở giáo dục và các tổ chức R&D. Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về KHCN, ĐMST và CĐS, thu hút đầu tư các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đối với ngành công nghiệp bán dẫn và công nghiệp dữ liệu.
P.Hương