Đồng hành, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên

Trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đã thực sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, đặc biệt trong đoàn viên, thanh niên. Với sự đồng hành của tổ chức Đoàn, cộng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên đã mạnh dạn khởi nghiệp.

Một số sản phẩm từ mô hình khởi nghiệp của thanh niên

Từ thế mạnh vùng nguyên liệu của địa phương và mong muốn tạo cơ hội bản thân, người dân địa phương phát triển kinh tế, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, chị Nguyễn Thị Kiều Diễm (xã La Ngà, huyện Định Quán) đã xây dựng ý tưởng và bắt tay thực hiện khởi nghiệp với sản phẩm “Rượu trái xoài”.

Chị Diễm chia sẻ, La Ngà là địa phương trồng khá nhiều xoài. Vào mùa thu hoạch, nhiều khi “cung” vượt “cầu” đã khiến cho xoài mất giá, thậm chí có thời điểm người nông dân bỏ xoài rụng bởi nếu thu hoạch thì tiền trả công người hái xoài còn cao hơn tiền bán xoài. Để tận dụng được nguồn nguyên liệu này, thì việc chế biến thành rượu xoài được coi là một trong những giải pháp giúp tiêu thụ, đông thời nâng cao giá trị của trái xoài.

Theo đó, chị Diễm đã lựa chọn 2 loại xoài là: xoài 3 mùa mưa và xoài Cát Hòa Lộc để làm nguyên liệu chế biến. Những trái xoài căng mọng chín tới thực hiện sơ chế và ủ lên men tự nhiên tạo ra sản phẩm rượu mang đậm hương vị xoài, có nồng độ cồn thấp, thích hợp với cả nam giới và phụ nữ.

Tốt nghiệp ngành Thú y Trường trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, lại có kinh nghiệm gần 10 năm làm việc ở trại chăn nuôi và trạm thú y xã, nên năm 2017, anh Lê Phi Long (ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành) đã cùng với một người bà con chăn nuôi gà thịt với mức thu nhập bình quân 40 triệu đồng/tháng. Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng quan tâm sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn, anh Long đã tìm hiểu và mạnh dạn thử nghiệm mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học.

Anh Long chia sẻ, so với nuôi gà bằng phương pháp thông thường, nuôi gà an toàn sinh học không sử dụng kháng sinh mà chủ yếu sử dụng thảo dược để phòng và trị bệnh cho gà. Lần đầu tiên nuôi chưa quen nên 1 ngàn con gà chết gần hết khiến anh Long lỗ vốn. Không từ bỏ, anh tiếp tục thử nghiệm lần thứ 2 với số lượng 500 con và lần này anh đã thành công. Anh Long dự định sẽ mở rộng, phát triển mô hình tiến tới thành lập hợp tác xã chăn nuôi sinh học để liên kết với các hộ cùng chăn nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hiền cho biết, xác định đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ, đồng hành cùng các bạn đoàn viên thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp.

Cụ thể, Tỉnh đoàn Đồng Nai đã ban hành Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 – 2022”; tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp; mở các lớp tập huấn về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức “Học kỳ trong Doanh nghiệp”; kết nối, hướng dẫn để đoàn viên thanh niên tiếp cận được với các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT, Quỹ tín dụng CEP, Quỹ “Đồng hành với thanh niên tỉnh Đồng Nai”, Quỹ “Quốc gia Giải quyết việc làm”… Từ năm 2017 đến nay, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ 23 dự án với tổng số tiền khoảng 500 triệu đồng.

Anh Lê Phi Long (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) trình bày dự án khởi nghiệp nuôi gà an toàn sinh học tại cuộc thi Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với chương trình OCOP” năm 2020

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phong trào thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn đã thành lập và duy trì hoạt động của các mô hình tổ hợp tác thanh niên, HTX thanh niên, các CLB thanh niên phát triển kinh tế, CLB thanh niên khởi nghiệp ở cơ sở. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 172 CLB, 48 tổ hợp tác, 11 HTX thanh niên làm kinh tế, tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình lập nghiệp, khởi nghiệp.

Đặc biệt, năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh phát động Cuộc thi “Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với Chương trình OCOP” tỉnh Đồng Nai lần I, năm 2020. Qua 5 tháng triển khai đã thu hút 30 dự án tham gia dự thi. Trải qua 3 vòng chấm thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích và 3 giải phụ cho các dự án xuất sắc.

P.Hương