Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu: Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và quốc tế, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại. Xây dựng hệ thống các tổ chức KH&CN ngành nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các luận cứ và sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất; góp phần nâng cao nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Cụ thể, đến năm 2030, nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức trên 50%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%. Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật…, được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030. Hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% vào năm 2030.
Nhiệm vụ của Chiến lược là đổi mới cơ chế và hình thành các thể chế thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; triển khai một số chương trình trọng điểm về phát triển sản phẩm quốc gia, phát triển công nghiệp sinh học, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu phát triển và áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp, nghiên cứu phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 60% vào năm 2025
Về hoạt động đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, Chiến lược nêu rõ: Thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghệ chọn tạo giống, công nghệ chăm sóc, theo dõi theo các tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến; tập trung đầu tư vào những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những dự án quy mô lớn, triển khai các mô hình canh tác tiên tiến hiệu quả theo chuẩn thế giới; phát triển những kỹ thuật kinh doanh mới vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông, lâm, ngư nghiệp. Tập trung làm chủ các tổ hợp công nghệ quan trọng trong chọn tạo giống. Tập trung ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ số để xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả và bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới. Hình thành các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp gắn với các mô hình kinh tế nông nghiệp, các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị ngành hàng, sản phẩm có giá trị kinh tế cao,… Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại các vùng trọng điểm gắn với lợi thế của từng khu vực
Ngày 22/2/2023, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chiến lược. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng và quyết định trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thời gian qua. Cụ thể hóa Chiến lược, các đơn vị trực thuộc cũng như các viện, trường phải nhận thức rõ và cụ thể hóa bằng hành động trong lĩnh vực mình quản lý.
P.Hương (biên tập)