Đối với các bạn học sinh – sinh viên, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giờ đây đã trở thành ước mơ đẹp để các bạn có thể khẳng định bản thân, vươn tới thành công, đóng góp cho xã hội. Làm thế nào để các bạn học sinh – sinh viên có thể hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong một tương lai không xa, thậm chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là những nội dung chính trong Chương trình tọa đàm: “Xây dựng văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên tỉnh Đồng Nai”.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Trên cơ sở Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), mỗi ngành đã chủ động xây dựng đề án hỗ trợ khởi nghiệp riêng. Do vậy, để có thể đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên cần có sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành liên quan.
Trong Chương trình tạo đàm, các khách mời là lãnh đạo các Sở: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội; các thầy cô giáo đã đồng hành với phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học, THPT trong những năm qua đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ, nuôi dưỡng và ươm mầm ước mơ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các bạn học sinh – sinh viên.
Ông Đoàn Tấn Đạt, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, văn hóa khởi nghiệp cấu thành từ 3 yếu tố: đầu tiên là phải có ý thức và động lực để giúp các bạn trẻ khởi nghiệp, cái thứ hai là vốn và cái thứ ba là kiến thức, đam mê và môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp.
Trong khi đó, ông Đỗ Huy Khánh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, để khơi dậy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên, trên cơ sở Đề án của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ học sinh, sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp đến năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì và triển khai Đề án này đến các Sở giáo dục và Đào tạo trong cả nước. Đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Ngành giáo dục và đào tạo đóng khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp cho các em ngay khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời định hướng để các em có niềm đam mê, lòng nhiệt huyết với khoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bà Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp, ngành đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích học sinh, sinh viên say mê khởi nghiệp, lập nghiệp; trang bị kỹ năng và kiến thức để các em thực hiện hóa các ý tưởng của mình; kết nối với các quỹ đầu tư để hỗ trợ các em phát triển dự án.
Khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp
Đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trường đại học, cao đẳng, THPT đóng vai trò tạo ra ý tưởng thông qua những chương trình đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, về khởi sự kinh doanh, hình thành vườn ươm khởi nghiệp, qua đó giúp cho sinh viên hoàn thiện ý tưởng của mình để thành những đề án, dự án cụ thể.
Chia sẻ về văn hóa khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, ông Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, văn hóa khởi nghiệp ở Trường Đại học Lạc Hồng chính là các quy định, chế độ, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Thời gian qua, sở dĩ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Trường Đại học Lạc Hồng phát triển mạnh và đạt được nhiều thành công là vì ngay từ năm thứ nhất, các em sinh viên đã được tiếp cận với môi trường khởi nghiệp, đặt ra mục tiêu để tiến tới thành công. Nhà trường đã xây dựng hẳn một quy trình để khích lệ các bạn sinh viên đam mê khởi nghiệp.
“Vai trò của nhà trường rất quan trọng đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhà trường là nơi cung cấp những kiến thức cơ bản, xây dựng được tinh thần của doanh nhân cho sinh viên. Nhà trường cũng là nơi khơi gợi được các ý tưởng, ươm mầm và hỗ trợ để hiện thực hóa các ý tưởng đó thành các dự án khởi nghiệp thành công”, ông Quỳnh chia sẻ.
Biến ý tưởng thành dự án khởi nghiệp với các bạn sinh viên đã khó, với các bạn học sinh THPT còn khó gấp bội phần. Để hỗ trợ, hiện thực hóa ý tưởng cho các bạn học sinh THPT thì các Câu lạc bộ ươm mầm sẽ đóng vai trò khơi dậy đam mê và cảm hứng khởi nghiệp.
Thầy Nguyễn Văn Cư, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ, Trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh cho biết, đối với các em học sinh THPT đang ngồi trên ghế nhà trường, hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nhiều khó khăn hơn. Vì vậy, vai trò của giáo viên là người truyền cảm hứng cho các em. Trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh đã tập hợp đội ngũ giáo viên trẻ, có nhiệt huyết và đam mê với đổi mới sáng tạo để truyền cảm hứng cho các em, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo cho học sinh.
Thanh Cảnh