Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) mới ban hành Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN về việc hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (TTNT) có trách nhiệm.

Mục tiêu của hướng dẫn nhằm bảo đảm sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích và rủi ro của các hệ thống trí tuệ nhân tạo (Trong ảnh: thanh niên Đông Nai hào hứng với sản phẩm robot)

Tài liệu hướng dẫn nhằm thúc đẩy sự quan tâm của các bên liên quan trong việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng các hệ thống/ứng dụng TTNT ở Việt Nam một cách có trách nhiệm, hướng đến một xã hội lấy con người làm trung tâm, mọi người được hưởng những lợi ích từ các hệ thống TTNT, bảo đảm sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích và rủi ro của các hệ thống TTNT…

Theo xu thế chung trên thế giới, các hệ thống TTNT được đánh giá sẽ mang lại các lợi ích to lớn cho con người, xã hội và nền kinh tế Việt Nam thông qua việc hỗ trợ, giải quyết các vấn đề khó khăn mà con người, cộng đồng đang phải đối mặt. Tuy nhiên, song song với quá trình đó, cần nghiên cứu, có biện pháp giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển, sử dụng TTNT; và cân đối các yếu tố kinh tế, đạo đức và pháp lý liên quan. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn để định hướng, kể cả đó là các quy định mềm và không có tính ràng buộc. Bên cạnh đó, việc chia sẻ, trao đổi thông tin về các quy trình, các biện pháp thực hành tốt giữa các bên liên quan (như nhà phát triển, nhà cung cấp dịch vụ, người dùng) cũng sẽ thúc đẩy sự đồng thuận để gia tăng lợi ích từ các hệ thống TTNT và kiểm soát được các rủi ro.

Tài liệu hướng dẫn này nêu ra một số nguyên tắc chung cần chú ý trong nghiên cứu, phát triển các hệ thống TTNT một cách có trách nhiệm và khuyến nghị tự nguyện tham khảo, áp dụng trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, phát triển, cung cấp các hệ thống TTNT.

Theo tài liệu hướng dẫn, có 9 nguyên tắc nghiên cứu, phát triển các hệ thống TTNT có trách nhiệm và hướng dẫn thực hiện gồm: Tinh thần hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Tính minh bạch; Khả năng kiểm soát; An toàn; Bảo mật; Quyền riêng tư; Tôn trọng quyền và phẩm giá con người; Hỗ trợ người dùng; Trách nhiệm giải trình.

Cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động nghiên cứu, thiết kế, phát triển, cung cấp các hệ thống TTNT được khuyến khích áp dụng các nội dung trong tài liệu hướng dẫn này.

P.Hương