Dự án Tận dụng nguồn bưởi non tại địa phương để sản xuất xà phòng và dạy tiếng Anh miễn phí cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương của Bùi Thị Thủy
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức là hoạt động thường niên trong khuôn khổ thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939). Chủ đề Cuộc thi năm nay “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”, nhằm tìm kiếm, lựa chọn, trao giải và hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực cho phụ nữ, nhóm hợp tác/tổ chức do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý có đề xuất ý tưởng, dự án khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh xuất sắc. Qua đó góp phần gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa trên cơ sở phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ và khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ của địa phương, phục vụ đắc lực trong thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp. Góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và quy hoạch phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ.
Tham gia Cuộc thi năm nay, Hội LHPN tỉnh Đồng Nai đã lựa chọn 06 dự án xuất sắc đã đạt giải cao trong các Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng/dự án phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2021, 2022 do Hội LHPN tỉnh tổ chức và Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2022 do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức; đó là Dự án Phân lập meo giống nấm rơm của chị Nguyễn Thị Liên (huyện Long Thành) (1); Dự án Giàu bền vững từ mô hình vườn rừng theo hướng hữu cơ của chị Nguyễn Thị Yến (huyện Định Quán) (2); Dự án Nhang sạch Thảo Mộc – Tận dụng nâng cao giá trị nguồn dược liệu của bản địa của chị Lê Thị Cẩm Vân (TP. Biên Hòa) (3); Dự án Chế biến chả cá sạch từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương của chị Bùi Thu Bình (huyện Long Thành) (4); Dự án COHAFOOD – Thực phẩm xanh vị nguyên bản của chị Trần Thị Hà (TP. Biên Hoà) (5) và Dự án Tận dụng nguồn bưởi non tại địa phương để sản xuất xà phòng và dạy tiếng Anh miễn phí cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương của Bùi Thị Thủy (huyện Vĩnh Cửu) (6).
Ngoài tính đổi mới sáng tạo, điểm nổi bật của các dự án năm nay là phát triển và nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bản địa, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho phụ nữ. Như Dự án Chế biến chả cá sạch từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương của chị Bùi Thu Bình, chị đã tạo ra các sản phẩm chả cá từ các loại cá nước ngọt sinh trưởng tại hồ Sông Mây, hồ Trị An, hồ Suối Vọng, hồ Cầu Mới. Dự án Giàu bền vững từ mô hình vườn rừng theo hướng hữu cơ của chị Nguyễn Thị Yến, xuất phát ý tưởng từ địa bàn xã Thanh Sơn nơi chị sinh sống, là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Định Quán, với diện tích đất rừng rất lớn, đặc thù về thổ nhưỡng là đất đá nhiều, khó canh tác. Từ đó chị đã hình thành dự án phát triển vườn rừng theo hướng hữu cơ với các sản phẩm đang phát triển là bột ngũ cốc, bột sương sâm và trà ngũ cốc thảo mộc.
Sương sâm được trồng theo mô hình vườn rừng của chị Nguyễn Thị Yến
Các dự án cũng thể hiện cam kết đóng góp, trách nhiệm của cơ sở/doanh nghiệp đối với an sinh xã hội. Cụ thể như Dự án Tận dụng nguồn bưởi non tại địa phương để sản xuất xà phòng và dạy tiếng Anh miễn phí cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương của Bùi Thị Thủy. Chị đã tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề làm xà phòng cho các chị em muốn có nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. Kết hợp với các trường dạy học sinh, sinh viên làm xà phòng. Thông qua các khóa dạy làm xà phòng cho người nước ngoài, chị đã kết nối để các em nhỏ được tiếp cận nhiều hơn với tiếng Anh giúp các em giao tiếp bằng tiếng Anh tự tin, hiệu quả.
Hay dự án Nhang sạch Thảo Mộc – Tận dụng nâng cao giá trị nguồn dược liệu của bản địa của chị Lê Thị Cẩm Vân cam kết tạo việc làm, thu nhập cho phụ nữ các vùng trồng nguyên liệu tại địa phương nhất là những vùng đất khó canh tác, đất đai khô cằn, nhằm giữ đất chống xói mòn. Đồng thời, chị cũng phát triển doanh nghiệp của mình theo hướng doanh nghiệp xã hội khi trích phần lớn lợi nhuận cho công tác xã hội.
Các sản phẩm Nhang sạch thảo mộc Vân Hương của chị Lê Thị Cẩm Vân
Chị Bùi Thu Bình tác giả Dự án Chế biến chả cá sạch từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương cũng đặt mục tiêu tạo nhiều việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, không có vốn và việc làm thông qua phối hợp Hội LHPN xây dựng mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với xe bán bánh mì chả cá Thu Bình”, hỗ trợ xe bán bánh mì, nguyên vật liệu … Dự kiến đến cuối năm 2023, sẽ phát triển 100 xe bánh mì tại tỉnh và các vùng lân cận, tạo thu nhập bình quân từ 6-12 triệu đồng/chị/tháng.
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp được Hội LHPN Việt Nam tổ chức từ năm 2018 đến nay, thông qua các Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, đã có 3.549 đề xuất dự án/ý tưởng khởi nghiệp trên các lĩnh vực đa dạng như nông lâm ngư nghiệp, chế biến, công nghệ sinh học, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, mô hình sinh kế thông minh thích ứng biến đổi khí hậu… đăng ký tham gia và đã có 41 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã có ý tưởng/dự án khởi nghiệp xuất sắc, 31 tổ hợp tác/mô hình giảm nghèo tiêu biểu được được lựa chọn trao giải và hỗ trợ thực hiện với tổng kinh phí gần 32,5 tỷ đồng.
Hồng Anh – Ban GĐXHKT