Khởi nghiệp đang là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, tạo thành một “làn sóng mới” cho những người đam mê, khát vọng, cùng khả năng tiếp thu thích ứng và đổi mới sáng tạo. Tại hội nghị “Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đồng Nai giai đoạn 2021-2025”, các chuyên gia, diễn giả đã tập trung trao đổi về vai trò, hiệu quả của công tác hỗ trợ khởi nghiệp, từ đó nâng cao tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng. Bên cạnh đó là các sáng kiến, kinh nghiệm đã và đang được thực hiện sáng tạo tại một số địa phương trong cả nước về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang tính đặc thù.
* Quan tâm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp
Những năm gần đây, Đồng Nai đã quan tâm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo tiền đề hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Hiện, Đồng Nai đã hình thành được hệ thống văn bản pháp lý riêng cho tỉnh, đã tổ chức hỗ trợ thông tin cho hơn 250 lượt tổ chức, cá nhân tìm hiểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đã tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm, chương trình đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo….
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để thúc đẩy khởi nghiệp tại địa phương, tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo nhằm trang bị những kiến thức về khởi nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều hành cho lãnh đạo doanh nghiệp, cho thanh niên khởi nghiệp; đồng thời tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo nhằm tìm kiếm các ý tưởng, dự án khởi nghiệp để từ đó hỗ trợ từ khâu đăng ký sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ. Nhìn chung, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời gian vừa qua diễn ra rất sôi động và nhận được sự đánh giá, ghi nhận của cộng đồng, tạo động lực, tinh thần khởi nghiệp cho cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bà Bùi Thị Hạnh, Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh đã phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ, khai thác nguồn lực, vận động phụ nữ tham gia khởi nghiệp, phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tạo môi trường kết nối, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ tham gia phong trào khởi nghiệp. Cụ thể, từ năm 2018, hàng năm Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đều tổ chức Ngày phụ nữ sáng tạo – khởi nghiệp với chuỗi các hoạt động như: trung bày gian hàng giới thiệu các sản phẩm do phụ nữ sản xuất và kinh doanh; giao lưu, tọa đàm với các chuyên gia, nữ doanh nhân tiêu biểu về kinh nghiệm, giải pháp khởi nghiệp thành công…Hoạt động đã giúp các chị em có cơ hội được giao lưu, kết nối và có thêm động lực để vững tin trên con đường khởi nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình Câu lạc bộ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cũng đang được duy trì hiệu quả với 50 chị em tham gia…
Bí thư Tỉnh đoàn Hồ Hồng Nguyên chia sẻ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ, đồng hành cùng các bạn đoàn viên thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp như: ban hành Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 – 2022”; tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp; mở các lớp tập huấn về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Với sự đồng hành của tổ chức Đoàn, cộng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, thanh niên đã trở thành đội ngũ đông đảo, tiên phong trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, các cấu phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh vẫn còn hoạt động rời rạc, chưa thiết lập nhiều quan hệ hợp tác, các nguồn tài nguyên vẫn chưa được tập hợp; đồng thời cũng chưa hình thành rõ nét một cách bài bản, có hệ thống để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp được tốt và có chiều sâu.
* Kết nối các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Với đặc điểm là tỉnh công nghiệp năng động, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Có thể nói, Đồng Nai hiện đang có đủ điều kiện để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là sự chung sức của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nguồn quỹ, nhà đầu tư, trường đại học, …
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, sự đồng hành hỗ trợ qua lại giữa chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp sẽ là lực đẩy xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển vững mạnh.
Ông Đặng Quốc Nghi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai cho rằng, tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tuy còn non trẻ nhưng có tiềm năng phát triển rất lớn. Với những lợi thế sẵn có và sự quan tâm của cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương sẽ là tiền đề cho quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Song song đó, đội ngũ doanh nhân đi trước cần có sự quan tâm đối với các startup, nơi cần một vườn ươm được chăm sóc bởi những “nghệ nhân Doanh nhân: có kỹ năng và nhiều kinh nghiệm.
Để làm được điều này một cách tốt nhất, theo ông Đặng Quốc Nghi cũng cần có sự chung tay của nhiều nguồn lực. Sự hỗ trợ về cơ chế mà trọng tâm cần thực hiện các giải pháp đồng bộ theo định hướng mà đề án 844 đã đề ra, trong đó cần quan tâm đến sự đầu tư về công nghệ trong tiếp cận thông tin để có thể triển khai ở phạm vi rộng hơn, nhiều thành phần khu vực sẽ được tiếp cận và hỗ trợ từ xa. Tạo dựng khu vực hạ tầng môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chủ động về không gian và thời gian, tự chủ trong chiến lược xây dựng cộng đồng đổi mới sáng tạo được vận hành bởi các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, có trách nhiệm với cộng đồng. Xây dựng hạ tầng pháp lý rõ ràng để khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi cho các doanh nhân, doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo với các Startup. Xây dựng cơ chế với các mô hình tham gia vào chuỗi cộng đồng đổi mới sáng tạo. Tạo cơ chế linh hoạt trong việc đầu tư kêu gọi vốn từ các nguồn vốn lớn của các tổ chức nước ngoài, các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn quyền lợi, trách nhiệm các đơn vị tham gia, được vận hành bởi các cơ quan, các hiệp hội, các chuyên gia…
Ngoài ra, theo ông Trần Trí Dũng – Thư ký điều hành, Sáng kiến Cộng đồng Cố vấn khởi nghiệp Việt Nam (VMI2) thì, hành trình khởi nghiệp có rất nhiều áp lực và trở ngại. Các nhà sáng lập dù có mạnh mẽ, tự tin và vững vàng tới đâu cũng luôn cần được động viên. Do đó, cung cấp cố vấn khởi nghiệp là một dịch vụ không thể thiếu tại các cơ sở ươm tạo, tăng tốc kinh doanh, chương trình hỗ trợ và cuộc thi khởi nghiệp. Người cố vấn là người truyền cảm hứng, người mang kiến thức tới và đưa ra chỉ dẫn đối với các startup, là người đồng hành cùng startup trong việc triển khai các ý tưởng kinh doanh đảm bảo thực thi hiệu quả, là nhà tư vấn và thậm chí là đối tác kinh doanh hoặc nhà đầu tư cho các startup.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lại Thế Thông cũng cho biết, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp chính là thúc đẩy mối liên kết, đưa ra giải pháp để kết nối được với nhau cùng hướng tới mục tiêu chung. Hiện nay, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, vấn đề bây giờ là cùng hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo một cách có ý nghĩa nhất, phù hợp với thực tiễn của Đồng Nai. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai để ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng.
P.Hương