Sinh viên Đại học công nghệ Miền Đông và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trung tâm Khoa học và Công nghệ trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với phòng công tác Sinh viên trường Đại học Công nghệ Miền Đông tổ chức phổ biến, tuyên truyền về thể lệ cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tới đông đảo các bạn sinh viên. Đồng thời tiến hành khảo sát sơ bộ về nhận thức và nhu cầu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Cuộc khảo sát thực hiện ngẫu nhiên qua hình thức phát phiếu điều tra, có tổng số 62 sinh viên đã tình nguyên tham gia trả lời phiếu điều tra, trong đó có 29 nam va 33 nữ. Như vậy, mức độ quan tâm về khởi nghiệp của nam và nữ sinh viên tương đối bằng nhau. Kết quả khảo sát cho thấy sinh viên rất quan tâm tới hoạt động khởi nghiệp, có thể các thông tin khởi nghiệp của cả nước cũng như các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh và tại trường đã ảnh hưởng tới ý thức của các bạn sinh viên.

Khi được hỏi quan điểm của bạn về khởi nghiệp là gì? Các bạn sinh viên đã đưa rất nhiều suy nghĩ và cách hiểu khác nhau như: là bắt đầu một công việc mới, làm chủ được công việc và bản thân, thành lập công ty và trực tiếp quản lý và vận hành công ty đó, có một ý tưởng hữu ích cho xã hội và thuyết phục được một số người ủng hộ/cùng triển khai ý tưởng đó,…. Trong đó có 73% các bạn sinh viên nam đều có chung quan điểm về khởi nghiệp là nhận được vốn đầu tư (hoặc hỗ trợ tài chính) để triển khai ý tưởng của mình vào thực tế; sẵn sàng đầu tư một khoản kinh phí và công sức để triển khai 1 hoạt động kinh doanh nào đó. Còn phần đông các bạn sinh viên nữ lại cho rằng khởi nghiệp là bắt đầu một công việc mới hoặc bắt đầu đi làm và có thu nhập ổn định, tìm được công việc yêu thích và gắn bó lâu dài. Sự khác biệt trong quan điểm của nam và nữ sinh viên là một điểm cần lưu ý trong quá trình định hướng nghề nghiệp cũng như tổ chức các hoạt động khởi nghiệp dành cho sinh viên trong thời gian tới.

Khởi nghiệp thì được gì và mất gì?

“Khi khởi nghiệp tôi sẽ được rất nhiều thứ như: có tiền, sự tự do, cơ hội thành đạt, khả năng làm chủ bản thân, được thấy ý tưởng của mình triển khai trong thực tế, quen biết nhiều người thú vị, giúp ích được cho người khác” Thành Triệu, sinh viên năm 4 chia sẻ. Là sinh viên ngành Dược nên mong muốn trong tương lai của bạn là được chủ một hoạt động kinh doanh nhỏ (cửa hàng, kinh doanh online về ngành dược) tự do về thời gian và tài chính. Còn theo bạn Kim Thạch, sinh viên khoa Ngoại ngữ cho biết, nếu khởi nghiệp phải chấp nhận mất công sức, tiền, thời gian và thâm chí là cả sức khỏe. Bạn cho biết dự định sẽ khởi nghiệp trong vòng 2-3 năm nữa hoặc bất cứ khi nào có ý tưởng rõ ràng. Lý do khiến bạn muốn khởi nghiệp là muốn được thử thách bản thân, được tự làm chủ và nhìn thấy các ý tưởng của mình được triển khai trong thực tế. Thông qua việc xác định rõ ràng những gì được và mất khi khởi nghiệp, bước đầu để quyết định xem bản thân mỗi người có quyết tâm khởi nghiệp, tự làm chủ sự nghiệp của mình hay chỉ đơn giản chấp nhận làm công ăn lương.

Những khó khăn mà nhiều sinh viên chưa mạnh dạn khởi nghiệp như vốn kiến thức chưa nhiều nên còn thiếu ý tưởng khởi nghiệp, chưa có đủ tự tin, chưa biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào, thiếu kinh nghiệm, thiếu tiền, một số khác là tâm lý sợ không thành công, nghĩ rằng khởi nghiệp rất khó và phức tạp, cho rằng bản thân không phù hợp với khởi nghiệp.

34% các bạn sinh viên cho biết dự kiến sẽ khởi nghiệp trong vòng 3-5 năm và lý do các bạn muốn khởi nghiệp chủ yếu là muốn được tự làm chủ và tạo thêm thu nhập. Có nhiều yếu tố giúp các bạn sinh viên khởi nghiệp thành công như: Sự đam mê, thái độ  tích cực và cầu thị, có nhiều kỹ năng  mềm, kiến thức vững vàng trong lĩnh vực dự kiến khởi nghiệp, kinh nghiệm làm việc, sự may mắn, có cộng sự tốt, có ý tưởng tốt, phải thực sự kiên trì và nghiêm túc trong công việc, …

82% các bạn sinh viên tham gia khảo sát đều thể hiện sự quan tâm đối với khởi nghiệp thông qua các hoạt động như: đọc sách/báo về khởi nghiệp, thường xuyên theo dõi thông tin về khởi nghiệp, đang có ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh, hoặc là đang kinh doanh nhỏ, đã từng tham gia các khóa học về phát triển bản thân, kỹ năng mềm. Theo bạn Kỳ Anh sinh viên năm 4, để hỗ trợ quá trình khởi nghiệp được thuận lợi hơn thì rất cần sự ủng hộ và động viên từ gia đình, bạn bè, người thân, bản thân người khởi nghiệp phải tham gia các khóa học về Khởi nghiệp, tìm đọc sách về Khởi nghiệp, tham dự hội thảo về Khởi nghiệp để xây dựng được nền tảng kiến thức vững vàng cho bản thân, ngoài ra thì còn cần có các chương trình tư vấn, định hướng Khởi nghiệp, hỗ trợ cơ sở vật chất giúp khởi nghiệp giai đoạn đầu và thậm chí là hỗ trợ cấp vốn đầu tư.

Về nhu cầu tham dự các khóa đào tạo khởi nghiệp, nội dung mà đa phần các bạn quan tâm là: cách phát hiện cơ hội kinh doanh, xây dựng đội nhóm khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh doanh, cách thức phát triển sản phẩm mới, kỹ năng thuyết trình gọi vốn, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng đàm phán, … Bạn Minh Vũ sinh viên năm 3 ngành Quản trị cho biết là rất quan tâm tới mô hình khởi nghiệp tinh gọn 4.0  vì nó phù hợp với xu thế hiện nay, đồng thời ở khía cạnh một sinh viên mới ra trường đi làm chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng như dư dả về tài chính thì mô hình khởi nghiệp tinh gọn là điều bạn hướng tới. Về hình thức tổ chức các khóa đào tạo khởi nghiệp, phần đông các bạn sinh viên đều muốn tổ chức học trực tiếp tại giảng đường, cùng nhau trải nghiệm thực hành xây dựng một dự án hoàn chính trong suốt khóa học và nên kết hợp học chung nhiều sinh viên đến từ các chuyên ngành khác nhau, để có thể rèn luyện tư duy đội nhóm.  63% các bạn sinh viên cho rằng cần sớm phổ biến môn học Khởi nghiệp cho Sinh viên tất cả các chuyên ngành; nếu có thể thì nên đưa vào chương trình học chính khóa của một số ngành như Quản trị, Tài chính, …

Kim Ngân