Khởi nghiệp thành công: tạo dựng trên cơ sở uy tín

Mạng xã hội phát triển đem lại nhiều cơ hội kinh doanh cho những người có khả năng nắm bắt xu thế. Tuy nhiên bên cạnh những lợi thế cạnh tranh, mạng xã hội cũng đem lại những tác động khiến doanh nghiệp lao đao vì tin đồn thất thiệt. Trước những khó khăn đó, một trong những uy tín để đứng vững của doanh nghiệp khởi nghiệp chính là uy tín trong chất lượng hàng hóa cung cấp tới người tiêu dùng.

Sản phẩm khởi nghiệp này đã gặp trường hợp cạnh tranh không lành mạnh bằng thông tin thất thiệt trên không gian mạng xã hội.

Liên tiếp những câu chuyện giật gân, câu like dẫn đến hậu quả khôn lường. Mới đây trên mạng xã hội dậy sóng những tin đồn không hay về thức uống mới có mặt trên thị trường: Rau má pha. Những startup phát triển mạnh sản phẩm này phải một phen lao đao để vượt qua những thông tin thất thiệt về chất lượng sản phẩm. Từ câu chuyện này, vấn đề đặt ra là, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ phải ứng phó thế nào trước những hình thức cạnh tranh không lành mạnh như vậy?

Anh Nguyễn Đức Mạnh, Chủ cửa hàng Rau má pha Thành phố Biên Hòa là một trong những điển hình cho mô hình đối phó với các tin đồn lan truyền và có tác động to lớn này. Theo anh Mạnh, có rất là nhiều luồng thông tin trái chiều từ bên đối thủ hoặc từ khách hàng, cái cách vượt qua chính là cái minh bạch trong sản phẩm và đoàn kết của nhân viên, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm mình làm ra. Cách phá hoại của chủ nhân facebook đối thủ với sản phẩm của anh Mạnh là tung tin cho rằng, nguyên liệu rau má mà cửa hàng sử dụng không được xay từ rau má tươi, các chất phụ phẩm sử dụng không rõ nguồn gốc. Trong khi vừa mới thành lập, startup này đã đăng kí quyền bảo hộ và có quy trình pha chế sản phẩm rõ ràng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng tin cậy.

Tượng tự với công ty TNHH Ne-go. Một năm trước, thời điểm công ty chưa có danh tiếng trên thị trường đã phải đối mặt với tin đồn sai về chất lượng sản phẩm. Hậu quả, lượng hàng bán ra của công ty bị giảm xuống không ít, mất khá nhiều thời gian để khắc phục sự cố.

Anh Hoàng Văn Nguyên , Giám đốc công ty TNHH Ne-go chia sẻ, khi xử lý thì mình chọn phương án chăm sóc khách hàng, giải thích cho khách hàng biết đâu là sự thật, và cuối cùng là cho khách hàng sử dụng chính sản phẩm mà đang bị tin đồn đó ảnh hưởng tới để khách hàng cảm nhận họ đứng về phía nào.

Hình thức cạnh tranh không lành mạnh như thế khiến không ít các doanh nghiệp khởi nghiệp lao đao, tìm cách xử lý cho thỏa đáng là một thách thức. Nếu chọn cách im lặng chờ thời, doanh nghiệp sẽ đánh mất thị phần, hơn nữa mất cả lòng tin của khách hàng với sản phẩm của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có bước chuẩn bị trước khi tung sản phẩm ra thị trường, để có đầy đủ cơ sở pháp lý khi đối phó với tình huống này.

Ông Nguyễn Công Khánh, Phó chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đồng Nai cho rằng, doanh nghiệp phải có tiêu chuẩn cho sản phẩm của mình, có thể tự xây dựng hoặc áp dụng từ tiêu chuẩn của Việt Nam để khẳng định chất lượng sản phẩm của mình, đem lại sự tin cậy cho người tiêu dùng, bất cứ khi nào cnầ thiết cũng có thể truy xuất hồ sơ.

Còn theo ông Phạm Thế Linh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp, thuộc Hội doanh trẻ tỉnh Đồng Nai: Phải khẳng định được giá trị sản phẩm của mình, chất lượng, đảm bảo thì sự thật vẫn là sự thật, nếu ý thức xây dựng được sản phẩm tốt thì tất cả lời đánh giá sai trái làm tổn hại uy tín của mình sẽ càng khẳng định thêm uy tín cho sản phẩm của mình.

 Hiện tại Đồng Nai, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và Hội doanh nhân trẻ chính là 2 địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp có thể tìm đến để được bảo vệ và tư vấn thông tin về khởi nghiệp. Rõ ràng, vướng phải tin đồn sai trái về chất lượng sản phẩm là điều không ai mong muốn. Nhưng chủ doanh nghiệp hoàn toàn có thể biến bất lợi thành lợi thế khi có đầy đủ cơ sở khẳng định thương hiệu của mình. Sau biến cố, sản phẩm sẽ được nhiều người biết đến và tin dùng hơn.

Đỗ Quyên