Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về những kết quả đạt được của các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, những năm qua, với nhiều chính sách, pháp luật được ban hành đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng khởi nghiệp cả về hành lang pháp lý và tài chính.
Cụ thể, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung 8 văn bản pháp luật nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các luật như: Luật Thanh niên 2025, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Luật Chuyển giao công nghệ…
Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành 13 nghị định, 6 quyết định và 3 chỉ thị liên quan đế các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp. Trong đó, các đề án lớn như: Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đến năm 2025 (Đề án 1665), Chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030 (Chương trình 897)…được triển khai khá hiệu quả, giúp hàng nghìn mô hình khởi nghiệp được tạo dựng và phát triển, đóng góp cho nền kinh tế các tỉnh, thành và cả nước.
Theo thống kê sơ bộ, đến nay, cả nước có khoảng 20 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và khoảng 100 cơ sở ươm tạo được hình thành tại các địa phương; 60% cơ sở giáo dục cấp đại học đã thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp và gần 200 doanh nghiệp đang cam kết đồng hành triển khai các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Đối với các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi lãi suất, giai đoạn 2020-2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ trên 1 triệu lượt thanh niên vay vốn làm kinh tế, tạo việc làm, khởi nghiệp. Dư nợ Ngân hàng này ủy thác qua Đoàn Thanh niên để cho vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đạt gần 50.000 tỷ đồng. Ngoài ra hiện nay còn có khoảng 35 quỹ khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn trên 400 tỷ đồng được thành lập theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP. Bên cạnh đó có khoảng 200 quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài đang tìm kiếm, hỗ trợ, tài trợ phát triển các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam.
P.H (tổng hợp)